Kinh tế

Nông nghiệp

Nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ trồng rau, nuôi vịt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Mang Yang đã tổ chức 16 nhóm cải thiện sinh kế về an ninh lương thực và dinh dưỡng tại 5 xã: Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, Đak Trôi và Kon Chiêng. Việc làm này không chỉ giúp hộ nghèo nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn mà còn thay đổi tập quán chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.

Nâng cao nhận thức về dinh dưỡng

Chiều muộn, chúng tôi ghé thăm làng Chuk (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang). Vừa tới đầu làng đã nghe tiếng vịt kêu râm ran. Hỏi thăm mới biết, nhờ Dự án Giảm nghèo mà cả làng đều biết thêm nghề chăn nuôi vịt.

 

Chị Noch (làng Chuk, xã Kon Thụp) chăm sóc đàn vịt của gia đình. Ảnh. Đ.Y

Chị Đặng Thị Thu Thảo-hướng dẫn viên cộng đồng xã Lơ Pang, cho biết: “Đây là tín hiệu vui mà tiểu dự án trồng rau, nuôi vịt và hỗ trợ dinh dưỡng mang lại. Với nguồn vốn hỗ trợ 50 triệu đồng từ Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, 10 thành viên trong nhóm đã trồng được 0,1 ha rau xanh và nuôi 300 con vịt. Từ hiệu quả mang lại của mô hình này, năm 2017, làng Đak Trang và Sơ Pir (xã Kon Thụp) cũng đề xuất thực hiện thêm 2 tiểu dự án trồng rau, nuôi vịt và hỗ trợ dinh dưỡng”.

Khi mới tham gia nhóm trồng rau, nuôi vịt và hỗ trợ dinh dưỡng, người dân làng Chuk còn bỡ ngỡ về cách chế biến các món ăn kết hợp với các nhóm dưỡng chất như: đạm, vitamin, chất béo… Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ y tế xã mà bà con đã biết chế biến một số món ăn chính như: cơm, canh, thức ăn mặn và các món cháo dinh dưỡng kết hợp rau, củ, quả cho trẻ em. Chị Noch-Phó Trưởng nhóm tiểu dự án trồng rau, nuôi vịt và hỗ trợ dinh dưỡng làng Chuk, nói: “Gia đình mình có 2 con nhỏ. Việc thực hành chế biến các món ăn, nhất là món cháo dinh dưỡng cho trẻ là rất quan trọng. Do vậy, khi được hướng dẫn viên cộng đồng chỉ bảo, mình vận động tất cả chị em trong làng tham gia”.

Thay đổi tập quán sản xuất

Tiểu dự án trồng rau, nuôi vịt và hỗ trợ dinh dưỡng không chỉ cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất cho người dân. Ông Chu Nghệ Tĩnh-cán bộ tư vấn sinh kế Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Mang Yang, cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng diện tích đất vườn của các hộ dân rộng rãi, thuận lợi cho việc chăn nuôi vịt và trồng rau màu. Thực tế cho thấy, ngoài một số hộ vì thiếu vốn sản xuất phải bỏ trống đất vườn thì nhiều hộ ở đây từng trồng rau, nuôi vịt nên họ cũng đã có một số kinh nghiệm. Tuy nhiên, tập quán sản xuất theo lối truyền thống không mang lại hiệu quả cao nên chúng tôi phải bổ sung nhiều nội dung mới, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăn nuôi mới để bà con áp dụng có hiệu quả cao hơn”.

 

Trên cơ sở đề xuất của bà con, từ tháng 3-2017 đến nay, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Mang Yang đã nhân rộng thêm 4 tiểu dự án trồng rau, nuôi vịt và hỗ trợ dinh dưỡng ở các làng Đak Trang, Sơ Bir (xã Kon Thụp), làng Đak Ó (xã Kon Chiêng) và làng Đak Hre (xã Đak Trôi).

Theo ông Tĩnh, nuôi vịt dễ hơn các loại gia cầm khác, lại ít dịch bệnh, không tốn công chăm sóc, vốn ban đầu không nhiều, thời gian nuôi ngắn. Trong khi đó, vịt lại tăng trọng nhanh, đẻ trứng to, cho thu nhập ổn định. “Hiện nay, các thành viên trong nhóm làng Chuk đề xuất mua giống vịt 4.0 thay thế cho giống vịt xiêm. Ưu thế giống vịt 4.0 là ít bệnh, thịt thơm ngon, đẻ trứng quanh năm, giảm chi phí thuốc thú y. Từ đó, thu nhập của bà con cao hơn do chi phí thấp. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, các thành viên còn tiết kiệm được công chăm sóc, chi phí thức ăn”-ông Tĩnh cho hay.  

Nói về hiệu quả của việc trồng rau, nuôi vịt, chị Noch-Phó Trưởng nhóm trồng rau, nuôi vịt và hỗ trợ dinh dưỡng làng Chuk, khẳng định: “Từ ngày có đàn vịt, gia đình tôi có thêm tiền để chi tiêu vào những khoản cần thiết hàng ngày, không phải đi vay nặng lãi như trước, cuộc sống thay đổi hơn rất nhiều”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm