Nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chủ trương học 2 buổi/ngày đối với học sinh bậc tiểu học là hướng đi tối ưu, được đa số các bậc phụ huynh đồng tình, tương tự mô hình đang được các nước có nền giáo dục tiên tiến áp dụng.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Vấn đề mà hiện nay ở các trường học nước ta vướng phải là cơ sở vật chất đang còn thiếu thốn do kinh phí eo hẹp; biên chế giáo viên tiểu học/lớp cũng thiếu và cũng chưa được thống nhất ở nhiều địa phương; đồng thời chưa có chương trình chuẩn quốc gia cho đề án triển khai đại trà này.
Hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai cho gần 50% trường tiểu học có đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày với 35-40 tiết/tuần; những nơi có dạy tiếng Anh tăng cường hoặc sinh hoạt câu lạc bộ cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 thì có thể tăng thêm 1 buổi/4-5 tiết. Tuy nhiên, mỗi trường có một chương trình và thời khóa biểu riêng vì không phải trường nào cũng có đủ cơ sở vật chất và giáo viên các bộ môn đặc thù. Chính vì sự khập khiễng này mà nhiều phụ huynh không hiểu con em mình sẽ học gì tại 2 buổi học ở trường và các em này có giỏi hơn những học sinh học 1 buổi/ngày không?
Về lý thuyết, các em được học tăng cường với sự hướng dẫn của thầy-cô giáo; được sinh hoạt có chủ đề; được rèn các kỹ năng cho trẻ với thời lượng hơn 12 tiết/tuần so với học sinh học 1 buổi/ngày thì tất nhiên chất lượng sẽ vượt trội. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy vì nếu học 1 buổi/ngày nhưng giáo viên có phương pháp tốt, học sinh chuyên cần thì chất lượng giáo dục toàn diện cũng được đảm bảo. Nhìn lại các thế hệ học sinh trước đây thì thấy hầu hết đều học 1 buổi/ngày nhưng kiến thức và kỹ năng có thua sút học sinh hiện tại là bao!
Trong điều kiện hiện nay, chủ trương học 2 buổi/ngày là nhằm giãn thời gian học và tăng cường những môn học khác như: hội họa, Âm nhạc, Ngoại ngữ, những hoạt động giáo dục để giúp giảm bớt sự nặng nề của chương trình học. Các em học 2 buổi/ngày không phải là để nhồi nhét kiến thức như những lớp dạy thêm, do đó các nhà trường cần chỉ đạo, tổ chức hợp lý nhằm đạt được mục đích giảm tải, để học sinh thấy rằng “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Các em không chỉ được tiếp thu các kiến thức cơ bản một cách chủ động mà còn phải được sinh hoạt, vui chơi, được hoạt động theo chủ đề tại các câu lạc bộ, được tham quan bổ sung kiến thức thực tế…
Đối với các nước tiên tiến, học sinh phổ thông hầu hết được học tập, sinh hoạt ở trường cả ngày; các em ít khi phải mang bài tập về nhà mà tất cả được giải quyết trong thời gian ở trường. Ngoài chương trình chính khóa, các em được học tập, rèn luyện theo sở thích cá nhân hoặc năng khiếu của học sinh với đầy đủ phương tiện, phòng học bộ môn, sân chơi, bãi tập... Các kiểu học tập nhồi nhét, bắt ép hay đánh giá theo điểm số của thầy cô dường như không có đất dụng võ nơi này. Do vậy, việc học tập của học sinh được chủ động hoàn toàn và luôn tự tin. Các em được rèn luyện các kỹ năng ứng xử và tự phục vụ mình khá tốt cũng như phương pháp tư duy khoa học và ý thức phản biện một cách thường trực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nghiên cứu và kết luận rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học, học sinh cần thời lượng tối thiểu là 700 giờ/năm học tập ở trường thay vì 450 giờ như hiện nay. Sắp đến, Bộ sẽ thiết kế chương trình thống nhất cho học sinh học 2 buổi/ngày; đối với vùng thuận lợi phải đạt tối thiểu 35 tiết/tuần; vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu phải đạt 30 tiết/tuần. Cùng với đó, biên chế giáo viên bậc tiểu học phải đạt từ 1,2 đến 1,5 giáo viên/lớp.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm