Nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác rà soát, thẩm định đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Xác định rõ điều đó, Sở Tư pháp Gia Lai đã rất chú trọng công tác thẩm định dự thảo các VBQPPL bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và khả thi. 
Theo trình tự, thủ tục, sau khi tiếp nhận và tổng hợp các văn bản, tài liệu đề nghị thẩm định từ các đơn vị gửi đến, Sở Tư pháp sẽ phân công phòng nghiệp vụ, cán bộ chuyên môn thực hiện công tác tham mưu thẩm định, kiểm tra các hồ sơ đảm bảo đầy đủ, phù hợp hay chưa. Trên cơ sở đó, các phòng nghiệp vụ của Sở Tư pháp sẽ tập trung nghiên cứu, đối chiếu về tính cấp thiết, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Sau đó, Sở Tư pháp sẽ góp ý về trình tự, thủ tục, thể thức ngôn ngữ, kỹ thuật xây dựng VBQPPL đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đối với những dự thảo văn bản có tính chất phức tạp, chuyên môn cao, đặc thù riêng liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực thì Sở Tư pháp sẽ thành lập hội đồng thẩm định bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm tư vấn, định hướng giúp cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, tránh các trường hợp thiếu sót.
Bà Lương Thị Thảo-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở Tư pháp) cho biết: Ngoài công tác thẩm định, Sở còn tiến hành rà soát nhằm phát hiện, kiến nghị, xử lý các văn bản có nội dung sai trái, chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đối tượng điều chỉnh không còn. Từ đó, Sở chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, góp phần hoàn thiện hệ thống VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: R’Ô HOK
Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: R’Ô HOK
Theo thống kê, từ năm 2021 đến tháng 4-2022, Sở Tư pháp thực hiện 2 lượt thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, 101 lượt thẩm định dự thảo VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh. Ngoài ra, Sở đã góp ý đối với 401 dự thảo văn bản gồm: 182 dự thảo VBQPPL và 219 dự thảo văn bản hành chính. Công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, nội dung, thời hạn; hồ sơ thẩm định được các cơ quan, đơn vị chuẩn bị, cung cấp bảo đảm đúng, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Việc góp ý dự thảo văn bản được thực hiện bảo đảm chất lượng. Chất lượng nội dung dự thảo VBQPPL của các sở, ngành ngày càng được nâng cao, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Liên quan đến công tác thẩm định dự thảo VBQPPL, bà Nguyễn Thị Ái Nguyên-chuyên viên Phòng Tổng hợp (Sở Tài chính) cho biết: Trong năm 2021, Sở Tài chính đã đề nghị Sở Tư pháp thẩm định 8 dự thảo VBQPPL, sau đó trình HĐND, UBND tỉnh ban hành. Các văn bản này tập trung vào công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao nhiệm vụ tham mưu như: Nghị quyết số 135/2021/NQ-HĐND ngày 25-2-2021 quy định mức chi, thời gian hưởng chế độ chi công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 quy định mức chi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 26/2021/QĐ-UBND ngày 24-9-2021 ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai…
Trao đổi với P.V, ông Dương Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Tư pháp-thông tin: Năm 2021, công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL được Sở Tư pháp thực hiện đúng trình tự, thủ tục, nội dung, thời hạn; hồ sơ thẩm định được các cơ quan, đơn vị chuẩn bị, cung cấp bảo đảm đúng, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Thời gian tới, Sở tiếp tục bám sát các quy định của Luật Ban hành VBQPPL và các văn bản pháp luật mới liên quan; tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước trong việc củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho tổ chức pháp chế và việc triển khai thực hiện công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm