Nâng cao năng lực cho hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 2015, huyện Kbang được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ triển khai 13 nhóm sản xuất lúa lai giống BTE1 ở 5 xã: Kon Pne, Đak Rong, Krong, Lơ Ku và Sơn Lang. Mô hình này góp phần giúp người dân nơi đây từng bước nâng cao năng lực sản xuất đảm bảo.

Nâng cao năng lực sản xuất

“Kbang là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao và người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất còn lạc hậu nên năng suất các loại cây trồng thấp. Vì vậy, mục đích chính của việc triển khai nhóm lúa lai là giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất và cải thiện đời sống”-chị Nguyễn Thị Diệu Quyên, cán bộ sinh kế-Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Kbang cho biết.

 

Các hộ tham gia nhóm lúa lai ở xã Sơn Lang tiến hành cấy lúa. Ảnh: H.T
Các hộ tham gia nhóm lúa lai ở xã Sơn Lang tiến hành cấy lúa. Ảnh: H.T

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Phát triển của 5 xã thường xuyên phối hợp với hướng dẫn viên cộng đồng (CF) tổ chức nhiều buổi họp nhóm để tuyên truyền, lấy ý kiến của các hộ tham gia nhóm về vấn đề chọn giống, hình thức triển khai hoạt động của nhóm. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt tập huấn để truyền đạt các kiến thức liên quan đến giống lúa lai được chọn cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa. Nội dung tập huấn chủ yếu xoáy sâu vào các kỹ thuật làm đất, ngâm ủ giống, gieo trồng và chăm sóc lúa. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, cán bộ dự án trực tiếp xuống đồng hướng dẫn và cầm tay chỉ việc để giúp cho bà con triển khai tốt hơn các bước sản xuất.

Chỉ cho chúng tôi xem ruộng lúa của gia đình vừa được cày ải xong, ông Đinh Hớch (làng La Hách, xã Krong) phấn khởi cho biết: Ngày trước, cứ thu hoạch xong là người dân làng mình chờ đến mùa vụ mới gieo hạt chứ không biết cách vệ sinh đồng ruộng nên lúa bị sâu bệnh nhiều dẫn đến năng suất bị ảnh hưởng. Bây giờ, được cán bộ hướng dẫn, mình biết làm đất sớm và vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch để phòng các loại sâu gây hại cho lúa như: sâu đục thân, rầy nâu, rầy xanh... Với cách làm này, mình tin là cây lúa sẽ ít bị sâu bệnh và phát triển tốt hơn”.

Chị Bel-Trưởng nhóm lúa lai làng Đak A Sêl (xã Sơn Lang) nói: “Trước đây, mình làm lúa nước rất đơn giản. Về giống lúa thì chỉ cần để lại một ít lúa đã thu hoạch năm trước làm giống năm sau. Cây lúa không được chăm sóc tốt dẫn đến kém phát triển, năng suất thấp. Giờ, mình và mọi người đã biết cách chọn giống tốt để sản xuất; biết làm kỹ đất ruộng để tạo độ tơi xốp và màu mỡ cho đất. Cùng với đó, mình tiến hành bón phân kịp thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để cho hiệu quả sản xuất cao hơn”.

Đáp ứng nhu cầu lương thực cho địa phương

Trên địa bàn huyện Kbang có 13 nhóm sản xuất lúa lai triển khai trên diện tích 30 ha với sự tham gia của 150 hộ. Đa số các hộ tham gia thuộc diện nghèo. Nhà có 6 miệng ăn, quanh năm chỉ trông vào 3 sào bắp và 3 sào lúa nước nên năm nào gia đình anh Hlếch (làng La Hách, xã Krong) cũng rơi vào diện hộ nghèo. Khi được Dự án chọn tham gia nhóm, Hlếch rất phấn khởi: “Trước đây, vì hay sử dụng giống lúa cũ đã thoái hóa, lại không biết cách canh tác nên 3 sào lúa của mình chỉ thu được 10-12 bao. Số lúa này không đủ cho cả gia đình ăn trong năm nên mình thường phải đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo. Giờ được tham gia nhóm, mình sẽ chăm chỉ lao động và cố gắng làm đúng kỹ thuật để năng suất được nâng lên và gia đình mình không còn tình trạng thiếu đói vào mùa giáp hạt nữa”.

Ngoài Hlếch, nhiều hộ ở các xã Krong, Lơ Ku, Đak Rong, Sơn Lang cũng tỏ ra phấn khởi khi được tham gia các nhóm sản xuất lúa lai. Trao đổi với P.V, ông Đinh Ních-Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Krong cho biết: Các nhóm sản xuất lúa lai được triển khai có ý nghĩa rất thiết thực trong việc cải thiện được nguồn lương thực cho các hộ dân tham gia dự án. Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình này. Đây sẽ là cơ hội để người dân nâng cao năng suất, đảm bảo an ninh lương thực cũng như xóa bỏ tình trạng phá rừng làm lúa rẫy.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm