Nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn về nguồn nước sinh hoạt vào mùa khô.

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh tăng lên gần 80%. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã mang lại bộ mặt mới cho khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tăng lên 83%. Kết quả này là nhờ chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho hộ nông dân vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh.

Người dân tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn trong việc xây dựng công trình cấp nước, chuồng trại chăn nuôi và nhà tiêu hợp vệ sinh. Việc hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi và nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ gia đình trong vài năm trở lại đây đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Mặc dù vậy, quá trình triển khai cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức khi nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh của một bộ phận người dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Nhiều khu vực có điều kiện thủy văn phức tạp, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức cùng với việc chặt phá rừng bừa bãi dẫn đến nguồn nước ngày càng khan hiếm.

Nguồn nước tại một số công trình cấp nước cũng bị hạn chế dần hoặc ngừng hoạt động. Cá biệt, do các công trình ở khu vực nông thôn phần lớn có quy mô nhỏ, khả năng đáp ứng nhu cầu người dân không cao. Hệ thống theo dõi đánh giá tình hình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đã được triển khai trong khi việc duy trì thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, nhiều địa phương ít quan tâm.

Ông Nguyễn Chúc- Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh nhận xét: Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Tỷ lệ hộ dùng nước đảm bảo hợp vệ sinh tăng lên từng năm. Môi trường khu vực nông thôn từng bước được cải thiện khi hệ thống chuồng trại chăn nuôi được xây dựng đảm bảo, cách ly với nơi ở.

Người dân đã ý thức hơn trong việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ đó đã góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn các loại bệnh tật trên người. Dù vậy, hiện nay Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn. Các công trình sau khi hoàn thành bàn giao cho UBND xã quản lý khai thác song chưa được các địa phương quan tâm quản lý, vận hành khiến nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp. Nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng ở nhiều công trình còn chưa rõ ràng, đặc biệt là các công trình công cộng và công trình không thu tiền nước. Bên cạnh đó, năng lực của các đơn vị quản lý vận hành còn hạn chế… cũng dẫn đến tình trạng lãng phí khi sử dụng.

Nhiều trạm y tế đã xây dựng nhưng chưa có công trình cấp nước do nằm ở khu vực địa hình không thuận lợi. Việc hỗ trợ nhà vệ sinh cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đóng góp 30-65% giá thành công trình rất khó thực hiện… Trước những tồn tại khó khăn trên, để Chương trình mục tiêu quốc gia nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đi vào vận hành ổn định phát huy hiệu quả ngoài sự đầu tư của Nhà nước, rất cần nâng cao nhận thức của cộng đồng và các cấp về nước sạch và vệ sinh môi trường.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm