(GLO)- Những năm qua, Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Môi trường Rừng thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang) không ngừng đẩy mạnh việc phối hợp với các phòng giáo dục, các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc các xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trên địa bàn 3 huyện Mang Yang, Đak Đoa, và Kbang nhằm tuyên truyền cho các em học sinh về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn tài nguyên rừng.
Các em học sinh tham gia trò chơi xây dựng sơ đồ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Minh Nguyễn |
Anh Đinh Khánh Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Môi trường rừng (GDMT&DVMTR)-cho biết: Giáo dục môi trường rừng đối với thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học bền vững tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Đối với các em học sinh ở các xã vùng đệm thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh thì điều này càng trở nên cấp thiết, qua đó trang bị cho các em những hiểu biết cơ bản về môi trường, lợi ích của rừng và những tác hại của việc làm tổn thương đến môi trường, đến đời sống con người trong tương lai; đồng thời tạo sân chơi bổ ích cho học sinh trong việc tìm hiểu các thông tin, kiến thức, giúp các em hiểu thêm về giá trị và tầm quan trọng của Vườn Di sản ASEAN.
Trong năm 2013, Trung tâm GDMT & DVMTR đã tổ chức tuyên truyền được 40 lớp với sự tham gia của 1.200 học sinh THCS và Tiểu học tại 11 trường thuộc địa bàn các xã vùng đệm thuộc 3 huyện: Mang Yang, Đak Đoa và Kbang. Nội dung tuyên truyền chính là giới thiệu sơ lược về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh; những lợi ích từ rừng mang lại cho cộng đồng sống xung quanh rừng nói riêng và cho con người nói chung; các mối đe dọa tới rừng, tới môi trường và vai trò của học sinh trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên…
Các em học sinh tham gia trò chơi thụ phấn cho hoa. Ảnh: Minh Nguyễn |
Bên cạnh việc tuyên truyền tại các trường học, phát hành tài liệu (tờ rơi, áp phích, tập san…), Trung tâm cũng khuyến khích, tổ chức cho các em học sinh tham gia trồng cây xanh, thu gom rác, dọn vệ sinh môi trường tại trường học và cộng đồng nơi sinh sống; thành lập các Câu lạc bộ thiên nhiên Kon Ka Kinh, Câu lạc bộ Xanh, các buổi dã ngoại, tham quan, học tập cho học sinh tại Vườn; tổ chức các lớp học để học sinh thảo luận, tham gia các trò chơi ý nghĩa về môi trường như: trò chơi “xây dựng bản đồ VQG Kon Ka Kinh”, “đường dây nóng”, “thụ phấn cho hoa”, “tô màu bức tranh”... Nhiều hoạt động khác cũng thu hút được rất nhiều học sinh ở các trường học tham gia như thi tìm hiểu, thi vẽ tranh với chủ đề về Vườn Quốc gia, về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ Di sản ASEAN…
Phó Giám đốc Trung tâm GDMT&DVMTR cho biết: Việc sử dụng máy chiếu, minh họa bài giảng bằng những hình ảnh thực tế của Vườn làm cho bài giảng sống động, nhiều màu sắc, tạo không khí sôi nổi và hào hứng trong các buổi học, các buổi sinh hoạt nên đã thu hút được nhiều học sinh tham gia. “Hiệu quả của công tác tuyên truyền này không những tạo sự đổi mới trong nhận thức, giúp cho các em học sinh có những hiểu biết cơ bản môi trường, lợi ích của rừng mà còn giúp cho các em nâng cao ý thức, biết yêu quý, trân trọng và tự nguyện tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên”-anh Toàn chia sẻ.
Những hoạt động tuyên truyền này không những thu hút đông đảo các học sinh đăng ký tham gia mà còn được sự ủng hộ, phối hợp nhiệt tình của giáo viên, Ban Giám hiệu của các trường học trên địa bàn. Nhiều trường đã thiết kế khuôn viên, trồng cây xanh, làm bồn hoa, thảm cỏ, xây dựng hàng cây xanh cho ngôi trường xanh-sạch-đẹp, hay trang trí lớp học vui tươi, xanh mát, đem lại môi trường giáo dục tốt, hài hòa với thiên nhiên tiêu biểu như trường THCS Ayun, Đak Jơ Ta, trường Tiểu học Ayun số 1... Cô Phạm Thị Vóc-Hiệu trưởng Trường THCS Ayun, huyện Mang Yang-cho biết: Hàng năm, căn cứ theo kế hoạch của Vườn, trường sẽ cử giáo viên tham gia tập huấn và phối hợp giảng dạy. “Đây là hình thức tuyên truyền rất tốt nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh và cộng đồng địa phương, tạo cho môi trường sống ngày một sạch sẽ, trong lành hơn. Nhiều học sinh của trường còn tham gia vẽ tranh, viết tiểu phẩm tuyên truyền, cổ động tích cực cho hoạt động này”.
Đặc biệt, Trung tâm GDMT&DVMTR còn thiết lập đường dây nóng để các em học sinh có thể thông báo khi phát hiện các vụ vi phạm khai thác, săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã. Từ những hoạt động tuyên truyền giáo dục môi trường, nhận thức của các em học sinh về bảo tồn thiên nhiên ngày càng sâu sắc hơn, nhiều em trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong bảo vệ môi trường.
Minh Nguyễn