(GLO)- Nâng chuẩn trình độ, năng lực giáo viên phổ thông trong giai đoạn hiện nay ở nước ta là yêu cầu cấp thiết, không thể trì hoãn, là bước thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội mới đây đã thảo luận Đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Chính phủ đệ trình, đề cập đến việc nâng chuẩn trình độ giáo viên Tiểu học (TH), THCS từ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học. Nếu đề án luật này được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2018 thì giáo viên trong diện dưới chuẩn sẽ là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Giáo dục mới. Và lộ trình là đến đầu năm 2026 sẽ không còn tiếp nhận giáo viên từ TH đến THCS có trình độ trung cấp, cao đẳng.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê thì hiện nay cả nước còn khoảng 40% giáo viên TH và THCS chưa đạt trình độ đại học (năm 2017, giáo viên TH 308.961 người, giáo viên THCS là 397.098 người). Như vậy, với số giáo viên dưới chuẩn khá lớn, liệu trong lộ trình từ nay đến 2026, chúng ta có thể đào tạo, bồi dưỡng để họ đạt trình độ như yêu cầu đề ra? Nếu làm theo kiểu phong trào để lấy thành tích thì chất lượng giáo viên cũng chỉ giậm chân tại chỗ, dẫn đến sự lãng phí không nhỏ.
Khi trình Dự án Luật sửa đổi, tất nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có lộ trình, phương án để thực hiện việc nâng chuẩn cho giáo viên đương chức. Nhưng vấn đề không phải là bằng cấp mà trình độ, năng lực giáo viên có được nâng cao hay không mới là cốt yếu. Thiết nghĩ, điều đầu tiên, Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo cho các trường Đại học Sư phạm lập kế hoạch, chương trình ngay từ bây giờ để đào tạo, bồi dưỡng số giáo viên chưa đạt chuẩn (theo yêu cầu mới), phân theo khu vực thực hiện kiểu cuốn chiếu. Nên đào tạo theo tín chỉ dưới hình thức học tại chức nhưng phải quản chặt đầu ra như các sinh viên chính quy. Đối với số giáo viên sắp về hưu (tính đến thời điểm Luật có hiệu lực) thì có thể xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết hợp tình hợp lý, nhất là chế độ chính sách khi họ có nguyện vọng về hưu trước tuổi. Đồng thời, phải tính đến sự tồn tại của hàng chục trường Cao đẳng Sư phạm địa phương hiện nay và số sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo này. Trên cơ sở kiểm định chất lượng các trường Cao đẳng Sư phạm đang hoạt động, Bộ GD-ĐT có thể gợi ý để các trường Đại học Sư phạm bảo trợ cho sinh viên học liên thông lên đại học và các đơn vị này có lộ trình để chấm dứt đào tạo giáo viên hệ trung cấp, cao đẳng.
Nếu đúng như dự kiến thì từ năm 2019, chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng trong toàn quốc, đồng thời đổi mới căn bản về phương pháp giảng dạy nên yêu cầu về trình độ, năng lực giáo viên phải hội đủ các tố chất của người thầy giáo “vừa hồng vừa chuyên” thì mới có thể hoàn thành sứ mệnh “trồng người”.
Trên thực tế, số giáo viên trẻ còn dưới chuẩn ở các địa phương đã và đang đăng ký theo học các lớp Đại học Sư phạm tại chức và từ xa. Tuy nhiên, điều lo ngại là đa số giáo viên được đào tạo theo hình thức này không đạt chất lượng vì mục tiêu của họ là hợp lý hóa bằng cấp để đối phó với yêu cầu mới. Nếu cần thiết, Bộ GD-ĐT nên thanh tra các cơ sở đào tạo theo hình thức này để chấn chỉnh và rút kinh nghiệm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên sau này.
Bùi Quang Vinh