Vậy là con voi nhà cuối cùng ở bắc Tây nguyên đã chết, đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của đàn voi nhà ở khu vực này.
Yă Tao vẫn thường được đưa ra suối tắm ẢNH: TRẦN HIẾU |
Bắc Tây nguyên từng là nơi lưu dấu đàn voi nhà có tiếng ở cao nguyên. Ngày trước, những thợ bắt voi người Lào đã đến đây, cùng với bao trai làng dũng mãnh vào rừng bắt, thuần hóa voi. Hoài niệm ấy còn lưu dấu vào cả tên địa danh về làng voi Nhơn Hòa, làng Plei Lao (làng người Lào - P.V) ở H.Chư Pưh ngày nay, hay ở xã Chư Mố, H.Ia Pa của Gia Lai.
Nhiều người già kể có lúc đàn voi ở khu vực này lên đến cả trăm con. Nay rừng đã bị tàn phá bởi bàn tay bạo tàn của lâm tặc. Đàn voi rừng, voi nhà và sức voi cũng đổ, lụi tàn theo thời gian. Voi rừng cũng đã vơi dấu từ lâu. Câu chuyện về voi có lẽ chỉ tồn tại trong truyền thuyết bi tráng về những làng voi huy hoàng thuở trước nơi cao nguyên.
“Nàng dâu” voi
27 năm trước, nàng voi cái Yă Tao lúc đó 20 tuổi, được ông Ma Chăm ở xã Chư Mố mua về. Tên voi đặt như vậy bởi theo tiếng bản địa Jrai có nghĩa là “nàng dâu”. Số là Ma Chăm cũng có một con voi đực khác tên là Băk Xom, được nuôi trong nhà từ 30 năm trước. Sau nhiều lần đắn đo, ông sang Đắk Lắk tìm mua một con voi cái với mong muốn “se duyên” cho chúng.
Anh Siu Kiêm, con của ông Ma Chăm, kể: “Ngày ấy, bố mình phải mang trâu bò nhiều lắm sang Đắk Lắk mới mua được cả hai con voi này. Con voi đực thì mua năm nó mới được 3 tuổi, nuôi gần 30 năm mới mua thêm con Yă Tao. Hai con voi này là những con voi nhà cuối cùng ở bắc Tây nguyên”.
Siu Kiêm còn nhớ ngày mua voi cái về và làng được nghe mong muốn của Ma Chăm, là muốn có thêm những chú voi con ra đời từ hai con voi nhà này, ai cũng mừng. Mọi người trong làng kéo ra xem, chia vui với gia đình Ma Chăm và tự hào cho chính cộng đồng của họ. Viễn cảnh về những đàn voi như ngày trước mà nơi đây từng có, khiến mắt ai cũng lấp lánh vui mừng. Mấy người già trong làng hấp háy mắt, nở nụ cười và mở lời khen: “Thằng Ma Chăm tính vậy là tốt quá!”.
Sự mừng vui chưa lâu, cả cộng đồng đã phải nếm dư vị đắng khi nhận hung tin: Voi đực Băk Xom ngã bệnh! Suốt mấy ngày nó cứ quanh đi quẩn lại trong một không gian hẹp, không đi đâu xa. Nước mắt của nó chảy ra liên tục. Ai cũng lo! Mọi người tìm đủ thứ thuốc có thể kiếm được để cứu nó. Thầy cúng cũng được mời tới. Song mọi cố gắng trở thành tuyệt vọng bởi vài ngày sau, Băk Xom đã chết.
Hai con voi chỉ được “ghép” với nhau 3 năm, chưa kịp mang lại niềm vui, hiện thực hóa niềm mong ước của cộng đồng về những chú voi con. Và thế là con voi cái Yă Tao trở thành “nàng dâu”… lỗi hẹn!
Nỗi buồn ở Chư Tol
Voi đực Băk Xom chết rồi... “Nàng dâu” Yă Tao vốn hiền hòa, siêng năng tham gia thồ nông sản giúp nhà Ma Chăm, giúp dân làng đủ việc là thế, bỗng chướng tính. Nó hay có những cơn cáu bẳn vô cớ khiến Ma Chăm phải cảnh báo dân làng chớ tới gần để tránh xảy ra hậu quả không hay. Có lẽ, cơn sang chấn tâm lý khi bạn đồng hành mất đi khiến nó bị stress, đổi tính đổi nết.
Hơn ai hết, Ma Chăm là người hiểu rõ điều đó. Ông là quản tượng lâu năm ở Gia Lai. Với thể trạng cường tráng, thông minh nhanh nhẹn, thời thanh niên ông đã cùng với những thợ săn voi vào rừng bắt voi con về thuần hóa. Nhìn cảnh con Yă Tao trở chứng, ông đã hiểu tất cả. Ông đưa “nàng dâu” của mình vào rừng sâu, chăm sóc cho nó ngõ hầu xua đi những cơn “nóng đầu” bất chợt vì thiếu bạn tình.
Nhiều người trong nhà kể lại rằng từ đó, Ma Chăm cũng ít nói hơn. Cứ vài ngày ông lại vào rừng, nhỏ to với Yă Tao từ sáng đến tối mới trở lại làng. Bóng ông nhạt nhòa, lầm lũi trong bóng chiều. Phải chăng, ông nhớ lại thời huy hoàng của đàn voi nhà thuở trước, nhớ mỗi chiều về, người và voi xuống suối tắm, chơi đùa? Tất cả như mênh mang, chia lìa. Mọi thứ như ùa về đầy ắp trong tâm trí của người quản tượng cuối cùng ở vùng đất Chư Mố.
Tháng 4.2017, Ma Chăm trở bệnh rồi không qua khỏi. Thương cha một đời đau đáu với voi, Siu Kiêm, con trai của ông và cũng là nài voi, vào rừng đưa Yă Tao về cùng chịu tang chủ. Anh kể: “Hình như nó cảm nhận được nỗi buồn khi chủ mất. Nó tự dưng ngoan hiền hẳn ra, bỏ ăn cả ngày. Nước mắt cứ chảy ra, thương lắm!”.
Chuẩn bị an táng voi Yă Tao ẢNH: NGƯỜI DÂN CUNG CẤP |
Sau tang cha, anh Siu Kiêm đưa Yă Tao vào rừng sâu gần sông Tul, không xa là dãy núi Chư Tol. Anh kể: “Yă Tao sống một mình trong rừng như vậy mấy năm nay. Chỉ đến dịp đầu năm mình mới đưa về làng thôi. Nhưng nó cũng hung hãn, đổi tính nên mọi người đều đứng xa, chỉ có mình mới đến được”.
Những huy hoàng quá vãng
“Mấy hôm trước nó có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn. Hôm 3.12 vừa rồi, mình đưa nó ra suối uống nước xong thì nó không đi nổi nữa, nằm lăn ra đất một lúc thì chết. Nó cũng đã 50 tuổi rồi, còn gì!”, Siu Kiêm cho biết. Hay tin, người làng cùng gia đình chủ voi đã làm lễ cúng theo tục lệ địa phương. Yă Tao được mai táng ngay cạnh bờ sông Tul, xã Chư Mố, khép lại một thời vàng son về đàn voi nhà ở khu vực bắc Tây nguyên.
Ông Ksor Ju, nguyên Chủ tịch UBND xã Chư Mố, cho biết: “Voi Yă Tao ở làng Ia Kdranh được gia đình đưa vào rừng sâu để chăm sóc. Chỉ vào đầu dịp lễ tết mới đưa về để cúng cầu sức khỏe cho Yă Tao và dân làng. Mấy năm trước nó bị thương ở chân nên cũng không còn thồ nông sản hay phục vụ khách gì nữa, chỉ nuôi vậy thôi”.
Trước đó, vùng Chư Mố và Nhơn Hòa vẫn còn những đàn voi nhà. Theo thống kê năm 1975, làng voi Nhơn Hòa có khoảng 30 con voi. Đến năm 1992, số lượng voi giảm dần, chỉ còn 14 con rồi cứ thế giảm dần theo thời gian. Một công ty du lịch ở Gia Lai đã từng sở hữu 5 con voi. Số voi này chủ yếu phục vụ hoạt động lữ hành, chở khách tham quan rừng sâu cùng một số thắng cảnh. Cứ tết đến, voi lại được đưa về TP.Pleiku để cho người dân… chụp hình, thu tiền! Rồi lý do về kinh tế cùng những điều kiện khách quan khiến chủ voi không kham nổi, phải bán toàn bộ số voi này sang Đắk Lắk từ hơn chục năm trước. Từ đấy, bắc Tây nguyên chỉ còn mỗi Yă Tao!
Yă Tao chết, voi nhà ở bắc Tây nguyên xem như “xóa sổ”. Còn voi rừng ở đây thì gần như đã tuyệt tích. Nhiều người già cho biết ở khu vực này ngày trước voi còn nhiều. Hoạt động bắt, thuần dưỡng voi rừng với sự hỗ trợ của những thợ bắt voi thiện nghệ người Lào khá phát triển. Nhưng rồi voi cứ vắng dần, vắng dần và hết hẳn. Đâu xa, chỉ cách đây chưa đến chục năm, hằng năm đều có một đàn voi rừng từ Đắk Lắk vào khu vực suối Khôn, xã Ia Piơr, H.Chư Prông (Gia Lai). Người dân đã lấy thau chậu gõ lên để xua đuổi voi ra khu vực rừng khộp giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Mấy năm nay, đàn voi không trở lại...
Đắk Lắk là tỉnh đang có đàn voi nhà lớn nhất Việt Nam, nhưng số lượng cứ giảm dần đáng lo ngại. Từ khoảng 500 con năm 1980, nay tỉnh này cũng chỉ còn 44 con, trong đó nhiều con đã lớn tuổi và khó có khả năng sinh sản. Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk với nhiệm vụ phát triển đàn voi nhà để cho ra những… bé voi, song nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được mong mỏi này.
Sau bắc Tây nguyên, có lẽ đến Đắk Lắk cũng đang đứng trước bờ vực cáo chung của đàn voi nhà nếu không có những giải pháp bảo tồn, phát triển chiến lược, hiệu quả. Sức voi cứ đổ dần theo thời gian...
Theo Trần Hiếu (TNO)