Nặng lòng của bà cụ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 85 tuổi, đôi mắt cụ mờ dần, đôi bàn tay bàn chân giờ đây không còn đủ sức để có thể đi nhặt ve chai mưu sinh nuôi cháu ăn học. Nỗi lo âu hiện rõ trên khuôn mặt bà, phải làm thế nào khi tuổi cao sức yếu để lại 2 đứa cháu đang lứa tuổi ăn tuổi học. Nỗi lo của bà Nguyễn Thị Thẻo (trú tại tổ 8, phường Ia Kring, TP. Pleiku).   
 

Bà Thẻo với căn nhà cũ kỹ nuôi 3 thế hệ. Ảnh: Đỗ Hằng
Bà Thẻo với căn nhà cũ kỹ nuôi 3 thế hệ. Ảnh: Đỗ Hằng

Cuộc đời của bà vốn dĩ đã cơ cực từ trước. Cứ như thế, mỗi năm trôi qua bà lam lũ mưu sinh bằng nghề nhặt và thu mua ve chai để một mình nuôi các con ăn học. Chồng mất sớm để lại ba đứa con thơ, đứa lớn nhất lúc ấy chỉ mới tròn 5 tuổi, một mình bà, không họ hàng thân thuộc, không nơi nương tựa, bà nghẹn ngào: “Lúc ấy tôi từ Huế cùng chồng chuyển vào, sau đó ông mất để lại tôi một mình nuôi con. Cái nghèo cứ thế tiếp tục theo tôi, khi các con lớn, đứa bệnh tật, đứa nghèo chỉ đủ nuôi sống bản thân và gia đình nó”.

Giờ đây khi người con trai đầu lâm bệnh mất, để lại 4 đứa cháu nội. Hai đứa cháu gái đầu không đủ tiền đi học, nên phải vất vả làm thuê sống xa nhà. Chỉ còn lại 2 cháu ở với bà, đứa chị hiện đang học lớp 6, đứa em trai năm nay bước vào lớp 5, nhưng chưa được nhập học. Bởi lẽ bé trai này bị người mẹ bồng đi khi mới 3 tháng tuổi. Sang một tỉnh khác, người mẹ ấy đã bỏ em cho người quen nuôi và đi học. Đến khi không còn được chăm nuôi cho học, may mắn với em là được sự giúp đỡ của người quen, bà đã tìm thấy đứa cháu nội út và đón về nhà nuôi. “Giờ đây tôi lo là thằng út không được đi học lại. Mẹ dẫn nó đi, bỏ nó, đến giờ khi nhập học nhà trường cần phải có học bạ của những năm trước, nhưng tôi già yếu rồi, đâu biết trường học nào, nơi nào nó ở và tiền đâu đóng học phí để lấy học bạ về”-bà Thẻo lo lắng nói.

 

Bà nhặt rau để chuẩn bị bữa trưa cho các cháu. Ảnh: Đỗ Hằng
Bà nhặt rau để chuẩn bị bữa trưa cho các cháu. Ảnh: Đỗ Hằng

Nỗi lo, nỗi khổ chồng chất, một mình bà nuôi hai đứa cháu thơ dại. Tuổi đã cao, bà không còn đủ sức đi nhặt ve chai nữa. Ngày qua ngày, bà nhận được sự giúp đỡ của hàng xóm, lúc nhiều thì mấy ký gạo, rau củ các loại để dành cho các cháu ăn đi học và sự giúp đỡ của những Mạnh Thường Quân khi được mọi người giới thiệu. Khuôn mặt ngây thơ khi được hỏi chuyện: “Mẹ bỏ đi, cháu không biết mẹ ở đâu, chỉ ở với bà nội và được bà chăm lo. Cháu rất muốn đi học, để sau này được giúp bà nội, được nuôi bà để bà khỏe mạnh và không khổ nữa”. Em Phan Thị Diễm Hoa, hiện đang học lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du nhỏ nhẹ nói. Ước muốn nhỏ bé ấy có lẽ không ai không hiểu, nhưng cuộc sống hiện tại quả là rất khó để em đạt được.

Tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Luyện (Phó Bí thư chi bộ 8-phường Ia Kring) cũng là người hàng xóm thường xuyên giúp đỡ. Khi được nói về hoàn cảnh của bà Thẻo, chị không khỏi cầm được nước mắt. “Mỗi lần tổ, phường có suất quà tôi đều giới thiệu đến hoàn cảnh của bà. Hoàn cảnh của bà đáng thương lắm, cả đời cơ cực, đến tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi cùng các con cháu, nhưng bà vẫn phải sống trong lo lắng. Chính quyền địa phương luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ bà và giới thiệu những mạnh thường quân để giúp được một phần nào thì sẽ đỡ phần ấy. Nhưng không biết những chuỗi ngày tiếp theo của bà phải ra sao vì con trai đầu mất, hai đứa con sau cũng nghèo và khổ lắm, không đủ để nuôi bà và hai cháu nội mồ côi”.

Nỗi niềm băn khoăn không chỉ mỗi bà Thẻo, mà là cho những người biết đến bà. Rồi đứa cháu út sẽ phải làm sao nhập học, con đường học của bé Hoa liệu có dài đến nơi như bé ước muốn, trong khi nhiều năm liền là học sinh giỏi. Giờ đây khi bà đã ở cái tuổi gần đất xa trời không biết đến ngày mai. Đó chính là nỗi lo lắng của bà dành cho các cháu, vì bà không muốn lại thêm một thế hệ nữa giống hoàn cảnh của bà.

Đỗ Hằng

Có thể bạn quan tâm