Nên bỏ quy định thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong thời gian gần đây trên diễn đàn các hội nghị lại nóng lên nội dung “thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy”. Thu hay không thu? Câu hỏi này đã được đông đảo dư luận quan tâm thảo luận.
 

 Ảnh: Văn Phê
Ảnh: Văn Phê

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015 của một Đảng bộ cấp phường, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau. Mặc dù Đảng bộ đã chú trọng chỉ đạo, UBND phường đến tổ dân phố đều tích cực tuyên truyền vận động và tổ chức kê khai và thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy đến tận hộ gia đình nhưng kết quả đạt được rất thấp. Nhiều ý kiến đã chỉ ra nguyên nhân của nó, tựu trung lại: Một bộ phận nhân dân chưa đồng tình vì họ cho rằng hiện nay gia đình ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế còn đóng góp nhiều thứ quá. Đối với những gia đình còn khó khăn thì không gánh nổi. Bên cạnh đó còn chây ì, trốn tránh với nhiều lý do như “Khi sử dụng xe máy đã đóng phụ thu phí qua xăng dầu” hay “Phương tiện của gia đình ít tham gia giao thông”; “Gia đình này đóng, gia đình kia không đóng nhưng đều tham gia giao thông như nhau, không có chế tài xử phạt nên họ cho rằng đây là việc làm tự nguyện” hoặc chất vấn “Gia đình đang sống và đi  lại trên những con đường hẻm khó khăn, thậm chí có  chỗ ổ gà, ổ voi sao lại đóng phí bảo trì đường bộ; đóng phí rồi có đường mới và tốt hơn không ?”; “Khi bị tai nạn giao thông trên những đoạn đường xấu, Quỹ Bảo trì đường bộ có đền bù không?”. Ngoài ra, phương thức thu hiện nay giao cho từng tổ dân phố thu nên rất khó khăn. Cán bộ này chỉ làm kiêm nhiệm nhưng thời gian bỏ ra thì rất lớn. Không ai kiểm tra xử lý nên người nộp, người không nộp cũng như nhau…

“Như chúng ta biết, đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh. Trong quá trình khai thác, sử dụng  phải cần được bảo dưỡng, duy trì chất lượng hệ thống đường sá theo yêu cầu kỹ thuật. Nhà nước lập Quỹ Bảo trì đường bộ nhằm huy động các nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ để cùng ngân sách nhà nước dần từng bước đáp ứng nhu cầu vốn công tác quản lý, bảo trì đường bộ; đúng theo nguyên tắc người sử dụng các dịch vụ phải trả tiền để nhận được dịch vụ ngày càng tốt hơn. Theo các nghị định của Chính phủ quy định Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ. Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương. Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11-9-2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, trong đó có một số nội dung cụ thể như sau: Về mức thu đối với xe mô tô chỉ quy định mức tối đa, không quy định mức tối thiểu (loại có dung tích xy lanh đến 100 cm3 mức tối đa 100.000 đồng/năm; loại có dung tích xy lanh đến trên 100 cm3 mức thu tối đa là 150.000 đồng/năm).

Việc xác định mức thu phí cụ thể đối với xe mô tô sẽ do HĐND cấp tỉnh căn cứ vào chủ trương, chính sách của Nhà nước, tình hình kinh tế-xã hội và đặc điểm của các địa phương trong từng thời kỳ, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp phí để quy định mức thu phí trong phạm vi khung mức phí đã được quy định. Miễn giảm phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo. Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2013/NĐ- CP ngày 24-9-2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí: Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tiền tối đa là 50.000.000 đồng.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như HĐND một số tỉnh hiện nay có ý kiến: Trong thời gian qua, công tác thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy chưa đạt kết quả, mức đóng phí đem lại nguồn thu không lớn mà chi phí để thu lại cao. Người dân chưa đồng tình. Do vậy, có nơi HĐND biểu quyết thu phí bảo trì đường bộ mức 0 đồng hoặc có ý kiến nên đề nghị Chính phủ xem xét bỏ quy định thu phí bảo trì đường bộ xe máy.

Nguyễn Sáu

Có thể bạn quan tâm