(GLO)- Liên quan đến việc đưa mộ Anh hùng Kpuih Thu về nghĩa trang liệt sĩ, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai-cho biết: “Về trường hợp Anh hùng Kpuih Thu, chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo tỉnh, đồng thời chỉ đạo tổ chức kiểm tra. Làm việc này là tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những cống hiến của Anh hùng Kpuih Thu và để giáo dục truyền thống yêu nước, thương dân của các anh hùng nói riêng, của những người có công với cách mạng nói chung”.
Với việc lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, ông Kpuih Thu vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 5-5-1965. Khi đó, ông là Xã đội trưởng xã E14, huyện 5 (nay là xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê).
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông xây dựng gia đình với đồng đội là bà Siu H'Dôi. Vợ chồng ông tích cực lao động sản xuất và hướng dẫn bà con làm ăn cũng như tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vì vậy, ông luôn được bà con tin yêu. Con cháu của ông đều được học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định và xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Ngày 15-11-2018, ông mất tại nhà riêng ở làng Tel Yố (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê).
Bà Kpuih H’Hạnh-cháu nội của Anh hùng Kpuih Thu, hiện là Chủ tịch HĐND xã Ia Hlốp-cho biết: Ông sinh ra tại làng Tel Yố. Khi giác ngộ lý tưởng cách mạng, ông tình nguyện tiên phong làm liên lạc cho các cán bộ nằm vùng ở làng Tel Yố, làng Plong và làng Á (xã Ia Hlốp). Thấy ông tháo vát, gan dạ, dũng cảm nên tổ chức phân công làm nhiệm vụ liên xã Ia Hlốp-Ia Ko-Ia Glai-Ia Blang.
Sau Hiệp định Genève (1954), ông xin tổ chức để được ở lại quê hương trực tiếp cầm súng đánh giặc, bảo vệ dân làng. Không chỉ tham gia chiến đấu ở địa bàn xã Ia Hlốp, ông cùng với các lực lượng chính quy tham gia chống càn, đánh du kích, tiêu diệt địch trên quốc lộ 14, ngã ba Phú Mỹ (xã Ia Băng, huyện Chư Prông), ngã ba Cheo Reo (thị trấn Chư Sê), Phú Nhơn (huyện Chư Pưh), Plei Me (huyện Chư Prông)...
Trong một lần phục kích đánh chặn đoàn xe cơ giới của địch vượt qua suối Ia Hlốp, ông bị trúng đạn, trở thành thương binh. Tuy vậy, ông vẫn tích cực tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, cung cấp lương thực thực phẩm và vận chuyển vũ khí cho cách mạng, tham gia phá ấp chiến lược, trừ gian, diệt ác.
Anh hùng Kpuih Thu bên vợ những ngày cuối đời. Ảnh: Mộng Thường |
“Khi ông mất, dân làng tổ chức chôn cất cẩn thận và làm lễ bỏ mả theo đúng phong tục của người Jrai ở nơi đây. Theo phong tục, bỏ mả xong xuôi là anh em nội ngoại, bà con thân thích rất hiếm khi đến thăm viếng nên mồ mả của ông rất vắng vẻ. Nếu Nhà nước muốn đưa hài cốt của ông về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Sê thì phải tổ chức họp lấy ý kiến của anh em dòng họ và dân làng. Tôi tin chắc là mọi người sẽ đồng ý thôi”-bà H’Hạnh nói.
Còn ông Kpuih Lan-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hlốp thì cho hay: “Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Sê ở gần làng, Nhà nước đưa ông vào đó sẽ có nhiều người đến thăm viếng”.
Liên quan đến vấn đề này, qua trao đổi, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Về trường hợp Anh hùng Kpuih Thu, chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo tỉnh, đồng thời chỉ đạo tổ chức kiểm tra. Làm việc này là tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những cống hiến của Anh hùng Kpuih Thu và để giáo dục truyền thống yêu nước, thương dân của các anh hùng nói riêng, của những người có công với cách mạng nói chung”.
HOÀNG CƯ