Hiện nay, Gia Lai vẫn còn 1.828 hộ gia đình chính sách người có công thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới, trong đó có 314 hộ gia đình chính sách nghèo không còn sức lao động đang phải sống một cuộc sống thiếu thốn về vật chất nhưng vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
Thương binh Ngô Văn Cường, hẻm 96, số nhà 20, tổ dân phố 1, phường Hoa Lư (TP. Pleiku) tâm sự: Suốt thời trai trẻ tôi cống hiến cho Tổ quốc. Không chỉ ở chiến trường Khe Sanh mà còn đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Suốt những năm tháng ấy tôi lái xe dọc tuyến biên giới chở đạn dược, thuốc men cho quân đội. Bao nhiêu gian khó tôi chẳng nề hà, nhưng khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, vật lộn với cuộc sống thường nhật mới cảm thấy khó khăn đến nhường nào.
Tặng quà ông Đinh Que-gia đình chính sách thôn Chư Gu, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Ảnh: Hà Tây |
Ông Cường tâm sự: Những thương binh còn khó khăn như tôi không phải không biết làm ăn mà vì sức khỏe “đã cạn”; vốn làm ăn không có nên chỉ lấy công làm lời. Tôi mong muốn Nhà nước, tỉnh có những chính sách hỗ trợ vốn làm ăn cho những thương binh như chúng tôi. Có vốn để chúng tôi mở rộng làm ăn thì sẽ không còn chịu cảnh khó khăn, nghèo khổ về vật chất nữa.
Trong chuyến công tác mới đây về tặng quà gia đình ông Đinh Que, thôn Chư Gu, xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) có con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, chúng tôi chứng kiến cuộc sống của gia đình ông vẫn nghèo khổ. Ông vốn là một du kích xã, sau đó đi bộ đội cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất mới rời quân ngũ về làng. Ông xây dựng gia đình, nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, vợ con ông đã bỏ ông đi nơi khác sinh sống. Ông đi bước nữa với bà Đinh H’Hin người cùng làng. Hai người có với nhau một đứa con, đặt tên là Đinh H’Hir, mong rằng con có sức khỏe, lớn lên trở thành người giỏi giang. Nhưng ngờ đâu, cũng chỉ vì chiến tranh mà con ông bị nhiễm chất độc da cam, trên người cháu cứ lở loét quanh năm, bao nhiêu thuốc cũng không chữa khỏi được.
Ông Que cũng có mong ước như ông Cường là được địa phương quan tâm hỗ trợ vốn sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Và không riêng chỉ có hai ông Que và ông Cường, các hộ nghèo thuộc diện chính sách của các địa phương gửi về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đều mong được giúp đỡ vốn để làm ăn.
Trao đổi vấn đề này, bà Trần Thị Hoài Thanh- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Khi thống kê danh sách những hộ nghèo thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới, chúng tôi đặc biệt quan tâm trước tới 314 hộ gia đình chính sách nghèo không còn sức lao động. Chúng tôi đã có văn bản đề xuất với tỉnh quan tâm hỗ trợ các hộ gia đình chính sách không còn sức lao động, mỗi hộ một sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng để giúp họ có thêm điều kiện trong cuộc sống. Tuy nhiên, kiến nghị này tỉnh vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo.
Hà Tây