Nên xây dựng vườn tượng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn, là sự kết tinh tình cảm của các dân tộc Tây Nguyên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt có ý nghĩa là tượng đài được đặt tại khu vực trung tâm của Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku)-nơi diễn ra các hoạt động quan trọng của tỉnh, cũng là điểm thu hút du khách mỗi khi có dịp đến Gia Lai.
 

Quảng trường Đại Đoàn Kết đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Quảng trường Đại Đoàn Kết đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Nhìn một cách tổng quan, Quảng trường Đại Đoàn Kết-trung tâm là tượng Bác, cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum là một quần thể kiến trúc có ý nghĩa về nhiều mặt.

Với mong muốn Quảng trường Đại Đoàn Kết trở thành một công trình có ý nghĩa sâu sắc như tên gọi của nó, theo chúng tôi, tỉnh nên nghiên cứu xây dựng một vườn tượng các anh hùng và danh nhân văn hóa của khu vực Tây Nguyên tại đây. Về danh nhân văn hóa, Tây Nguyên có cụ Nay Đer-người sáng lập ra bộ chữ viết đầu tiên của dân tộc Jrai, họa sĩ tài hoa Xu Man, cùng với N’Trang Lơng, Núp, Wừu, Kpă Klơng... là những anh hùng dân tộc xứng đáng được dựng tượng. Họ là những người con tiêu biểu của các dân tộc Tây Nguyên, đoàn kết một lòng theo Đảng và Bác Hồ.

Trong số các vườn tượng trên địa bàn cả nước hiện nay, vườn tượng các danh y tại Quy Hòa (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là công trình nên tham khảo. Theo các chuyên gia, vườn tượng tại Quy Hòa sở dĩ mang tính bền lâu và thẩm mỹ bởi tượng có kích thước vừa phải, được chế tác bằng loại đá có độ cứng cao.

Nếu bổ sung một vườn tượng danh nhân và anh hùng dân tộc thì ý nghĩa đại-đoàn-kết của quần thể kiến trúc quảng trường sẽ được nhân lên, và tượng đài Bác Hồ gần gũi hơn trong trái tim của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Duy Danh

Có thể bạn quan tâm