Tết Việt

Nét đẹp văn hóa tâm linh trong Tết Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần, giữa không gian đất trời những ngày đầu Xuân bời bời sức sống. Mỗi chúng ta đều như đang nghe được hương vị ấm nồng của Tết trong từng hơi thở, trong sự rộn ràng, tất bật chuẩn bị đón năm mới với sự tươm tất, gọn gàng, tươi sáng của nếp nhà và sự chu đáo, đủ đầy, thể hiện lòng thành kính đối với gia tiên. Cùng với cặp bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả, hương hoa-những biểu tượng không thể thiếu, không thể quên của Tết Nguyên đán thì những vật phẩm như lá trầu, quả cau, cây mía, một vài thanh quế hay đôi ba bó rau mùi cũng được khá nhiều người mua về, vun đắp cho ước vọng đầu năm.

Hương của Tết

 

Bà Nữ đang cân quế để bán cho khách
Bà Nữ đang cân quế để bán cho khách

Vẫn giữ nếp quen từ những ngày nhỏ xíu, được mẹ đun nước lá mùi để rửa mặt và tắm tẩy trần trong những ngày cuối năm; gia đình bà Phạm Thị Luyến (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) mấy chục năm nay luôn dành một khoảnh vườn nhỏ để trồng mùi vào dịp cuối năm. Với bà Luyến, tối 30 Tết dù bận mải thế nào thì mọi người trong gia đình cũng phải được tắm bằng nước lá mùi do chính tay bà nấu và vào lúc sáng sớm mùng Một, ai ai cũng phải dùng thứ nước lá này để rửa mặt, rửa tay chân.

“Ngay từ nhỏ, biết cái mùi thơm dìu dịu nhưng nồng ấm ấy đã để lại một ấn tượng đặc biệt trong tôi. Mùi để nấu nước dùng cho tắm gội hay rửa mặt và cả uống nữa phải là những cây mùi già; cây già mới cho hương thơm quyện hòa trên đầu tóc, áo quần. Mẹ tôi gọi đó là hương Tết, rồi bà bảo, nếu được rửa mặt bằng nước lá mùi, cả năm sẽ luôn gặp những điều may mắn tốt lành, sẽ luôn sạch sẽ thơm tho trong việc làm và cả trong suy nghĩ. Lời của mẹ, tôi luôn ghi nhớ và cũng đem lời nói ấy dặn lại cho các con. Nhà tôi có hai đứa đã lập gia đình, các cháu cũng học mẹ, vẫn thường dùng nước lá mùi vào dịp đầu năm mới”-bà Luyến chia sẻ.

Cùng với rau mùi, có một loại hương liệu khác cũng thường được người dân dùng trong dịp Tết đến Xuân về, đó là vỏ cây quế. Nếu như đa số người Bắc dùng quế để xua tan cái lạnh và để có cảm giác như Tết đến nhanh hơn thì với đa số người dân phía Nam, vỏ quế được dùng nấu nước để lau bàn thờ ông bà tổ tiên và cũng có một số người dùng để lau chùi nhà cửa vào dịp cuối năm với mong muốn xua đi những điều không tốt.

Tìm mua quế ở Pleiku không khó, chỉ cần vài bước chân tới chợ bà Định trên đường Nguyễn Trãi, hỏi nhà bà Nữ là có ngay. Những ngày gần Tết, bà Nữ bày quế bán ngay trước nhà mình (số 47 B, Nguyễn Trãi). Thấy tôi dừng xe, bà đon đả: “Cô mua quế về tẩy nhà hả, quế này tôi mua ở vườn người ta, đảm bảo thơm ngon, giá 60 ngàn đồng/ký; cô mua nhiều không”. “Nếu chỉ để nấu một nồi nước tẩy trần trong nhà thì bao nhiêu là đủ hả bà”. “Thế thì cần vài ba lạng thôi, khoảng 15-20 ngàn đồng là được rồi”.

Trò chuyện thêm, bà Nữ cho hay, bà bán quế này đã nhiều năm, dịp cuối năm bán được nhiều hơn ngày thường. “Bây giờ nhiều nhà hiện đại mua tinh dầu hay trầm về xông nhưng vẫn có không ít người vẫn giữ theo tập tục của ông bà ta xưa, cuối năm lau nhà bằng nước vỏ quế tươi. Ngoài ra, vỏ quế còn có nhiều công dụng khác nữa như chữa đau bụng cho trẻ chẳng hạn”-bà Nữ cho hay.

Nét đẹp văn hóa tâm linh

 

Những ngày áp Tết, bà Hằng chọn cổng chợ phường Thắng Lợi để bán lễ trầu cau
Những ngày áp Tết, bà Hằng chọn cổng chợ phường Thắng Lợi để bán lễ trầu cau

Có lẽ với mỗi người dân Việt, câu chuyện sự tích trầu cau với ý nghĩa sâu xa về sự thủy chung, nghĩa vợ chồng và tình cảm máu mủ ruột thịt luôn là những ký ức nằm lòng, khó có thể quên. Phải chăng, tục ăn trầu, nhuộm răng của người Việt có từ ngày đó. Và cũng phải chăng, đó cũng chính là một trong những lý do để trong những ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên của rất nhiều gia đình không thể thiếu trầu cau. Trong dịp Tết Ất Mùi năm nay, giá bán một lễ trầu cau cao hơn hẳn so với những năm trước đó.

Chuyện với tôi về điều này, bà Nguyễn Thị Hằng (114, đường Âu Cơ, TP. Pleiku)-một người chuyên bán trầu cau trên khu vực chợ Mới nói: “Vì năm nay là năm nhuận nên cau đắt hơn mọi năm gấp 3-5 lần. Những năm trước, một lễ (gồm 1 quả cau và 3 lá trầu) tôi bán khoảng 3 ngàn đồng; năm nay bán từ 10 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng, tùy vào cau nhỏ hay to, già hay vừa độ hái. Bình thường tôi bán ở trên chợ Mới, nay áp Tết thì về cổng chợ phường Thắng Lợi bán cho gần nhà; bán đến hết sáng 30 thì nghỉ rồi đến mùng 2 Tết bán cho người mua lộc đầu năm. Ngày mùng 2 Tết, cháu có con nhỏ thì dắt con đi cho bé chọn mua một lễ trầu cau đầu năm, được như thế là hanh thông, may mắn cả năm đấy”.
 

Trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình, cùng với bánh chưng, bánh tét là sự hiện diện của một lễ trầu cau
Trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình, cùng với bánh chưng, bánh tét là sự hiện diện của một lễ trầu cau

Vậy là, đối với người Việt Nam ta, mỗi sản vật được chọn để dâng lên bàn thờ gia tiên đều hàm chứa trong đó những ý nghĩa. Không chỉ là vật phẩm dâng cúng gia tiên, các loại sản vật ấy từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh của người Việt.

Việc cây mía được sử dụng trong nghi lễ thờ cúng trong ngày Tết cổ truyền là một trường hợp như vậy. Ở Gia Lai, có không ít gia đình cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về lại tìm mua 2 cây mía đem về để vào hai bên bàn thờ tổ tiên.

Những cây mía được chị Trinh lựa chọn thật kỹ để bán cho khách hàng trong dịp Tết đến Xuân về.
Những cây mía được chị Trinh lựa chọn thật kỹ để bán cho khách hàng trong dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Tuệ Nguyên

Tuệ Nguyên

Có thể bạn quan tâm