Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Nét tương đồng trong việc đặt tên của người Jrai và người Kinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giống với mọi dân tộc khác, chuyện đặt tên của người Jrai là cả một câu chuyện dài. Ở đây chỉ nêu một số nét tương đồng trong việc đặt tên của 2 dân tộc Jrai và Kinh.

Việc đặt tên cho một đứa trẻ mới chào đời thường ngẫu nhiên tùy theo hoàn cảnh hoặc cũng có thể xuất phát từ một đặc điểm nào đó trên cơ thể. Một bà mẹ mải công việc, quên cả mình đã đến ngày sinh. Đứa bé bị đẻ rơi trên rẫy cạnh ụ mối. Địa điểm chào đời “đặc biệt” bỗng trở thành tên của đứa trẻ: Nó được mang tên là “Toai”, có nghĩa là ụ mối.

Các bạn trẻ người Jrai ở làng Kép (phường Đống Đa) tham gia Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số TP. Pleiku năm 2022. Ảnh: Trần Dung



Còn nếu làn da ngăm đen, đứa bé sẽ được gọi bằng cái tên “Ju”; bé nhỏ, chân tay dài, nó sẽ được mang một cái tên ví von là “Bek” (con nòng nọc)... Cái tên tạm này sẽ được gọi cho đến khi lễ “thổi tai” được tiến hành, lúc đó, bà mụ hoặc người nhà sẽ nghĩ cho bé một cái tên chính thức. Trừ một số ít trường hợp hay bị đau ốm hay gặp tai ương phải đổi tên, còn lại thì tên chính thức này sẽ theo suốt một con người cho đến lúc họ có người con lớn trưởng thành. Lúc này, tên chính thức lại được giấu đi để thay bằng tên của người con cả và được định vị bằng “a ma” hoặc “mí”. Chẳng hạn, người có tên là A ma Luynh, người ta sẽ biết ngay ông là cha của Luynh; người có tên là Mí Hnoan thì sẽ hiểu ngay bà là mẹ của Hnoan…

Người Jrai trong quá khứ thường có xu hướng chọn những cái tên “xấu”, ít khoa trương. Theo họ, với những cái tên như vậy các vị “thần ác” sẽ không chú ý, đứa trẻ sẽ tránh được ốm đau, tai họa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ yếu là ở các gia đình giàu có, thế lực, đứa bé sẽ được chọn những cái tên “đẹp”. Tên “đẹp” đó là tên các nhân vật trong chuyện cổ tích hay dũng sĩ trong truyền thuyết, sử thi. Nếu con trai, đó có thể là những cái tên như: Rok, Sét, Rit. Nếu là con gái, có thể là HBia, HLim… Một xu hướng khá phổ biến khác là đặt tên theo điệp âm. Chẳng hạn, nếu con đầu có tên là Man thì những đứa kế tiếp sẽ là Jan, Gan… Một sự thú vị khác là ngoài tên chính, người Jrai cũng có biệt danh. Với trẻ nhỏ, đó là những biệt danh để bày tỏ sự nâng niu, âu yếm, ví dụ như “cục cưng”, “kho báu”. Với những người nổi bật trong cộng đồng, biệt danh đó có thể là “chàng trai can đảm”, “cánh tay sắt”, “cô gái pơ lang”… Ngoài ra, còn những biệt danh mang tính châm biếm, trêu đùa, căn cứ vào một khiếm khuyết nào đó trên cơ thể hoặc tính cách như: bụng phệ, mập lùn, râu xồm… Loại biệt danh này khá phổ biến và có đủ mọi cung bậc; đôi khi còn được gọi thường xuyên hơn cả tên thật của mình.

Khái lược về các xu hướng đặt tên trên đây cho thấy sự tương đồng rất ngẫu nhiên giữa người Jrai với người Kinh. Xin minh họa thêm sự tương đồng này ở khía cạnh đặt những cái tên “xấu xí”. Người Kinh xưa, trừ những gia đình trí thức, giàu có, tên được đặt bằng từ Hán Việt với đầy đủ lớp lang tên tự, tên hiệu, còn hầu hết người dân vẫn đặt tên bằng từ Nôm. Họ chọn những từ hiểm hóc, càng ít được dùng tới trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày càng tốt để đặt tên, thậm chí đó còn là những từ vô nghĩa trong kho tàng tiếng Việt. Chẳng hạn: Ện, Ọn, Duê, Dòa… Theo họ, những cái tên “xấu xí” như vậy sẽ tránh được sự chú ý của ma quỷ, đứa trẻ sẽ dễ nuôi. Cho đến nay, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều người già mang những cái tên này. Chỉ nghe xướng lên, ta có thể biết rằng họ là lớp người của một thời lịch sử đã qua.

Đặt tên là sự biểu hiện của văn hóa. Văn hóa đặt tên cũng thay đổi theo nhận thức thẩm mỹ của mỗi giai đoạn phát triển xã hội. Hiện nay, dù cách đặt tên theo truyền thống của người Jrai vẫn còn phổ biến nhưng sự tương đồng trong việc đặt những cái tên “đẹp” như người Kinh cũng đang là một xu hướng. Chẳng hiếm hoi khi ở làng những cậu bé, cô bé mang những cái tên như Rơ Lan Hùng, Rơ Mah Dũng hay Ksor Hương, Kpui Hoa…

 

NGỌC TẤN
 

 

Có thể bạn quan tâm