Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngăn chặn dịch bệnh gia súc xâm nhiễm vào địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc đang bùng phát trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong khi đó bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Gia Lai.
Ngăn chặn dịch LMLM xâm nhiễm
Để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn dịch LMLM xâm nhiễm, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc trên địa bàn; tập trung kiểm tra, giám sát tại nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển gia súc (đặc biệt là heo) nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; duy trì việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết để ứng phó kịp thời, tổ chức chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra. Khi phát hiện gia súc có biểu hiện bệnh LMLM phải tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và triển khai ngay các biện pháp bao vây, dập tắt ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Riêng đối với các huyện Chư Pah, Ia Grai, Đak Đoa, Kbang cần chỉ đạo từng xã, thôn tiếp giáp với tỉnh Kon Tum tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân không tham gia vận chuyển, trao đổi, mua bán gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, đặc biệt từ vùng đang có dịch; tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các xã, thôn tiếp giáp với tỉnh Kon Tum; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc vào ra địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Chư Ngọc tổ chức trực kiểm dịch động vật vận chuyển vào tỉnh. Ảnh: L.N
Ông Hồ Quang-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Pah-cho hay: “Chư Pah là địa phương có nhiều xã tiếp giáp với tỉnh Kon Tum. Do đó, sau khi có thông tin tại tỉnh Kom Tum xuất hiện dịch bệnh LMLM trên đàn heo, Trung tâm đã tổ chức tiêu độc khử trùng ở tất cả 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ngoài ra, đơn vị đã cử cán bộ thú y xuống các xã lân cận tỉnh Kon Tum kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tổ chức giám sát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn. Hiện đàn gia súc trên địa bàn huyện vẫn phát triển ổn định”.
Cũng liên quan đến công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y-cho biết: Từ đầu tháng 1-2019, tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Ninh xuất hiện bệnh LMLM. Do đó, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp kỹ thuật trong phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn việc lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm khi nghi ngờ có dịch bệnh truyền nhiễm trên động vật theo quy định. Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không mua gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm mắc bệnh; không bán chạy, giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh ra khỏi khu vực có dịch; không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi). Hiện tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, không xảy ra dịch bệnh.
Chủ động ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi
Nhằm chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, cuối tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh đã có Công văn số 283/UBND-NL chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan, các Trạm Kiểm dịch động vật Song An và Chư Ngọc tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Đối với các huyện Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ có đường biên giới giáp với nước Campuchia, ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Ông Nguyễn Thái Duy-Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Chư Ngọc-thông tin: “Trạm đã thực hiện kế hoạch trực 24/24 giờ và tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh. Các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm vào tỉnh đều được tiến hành tiêu độc khử trùng. Từ đầu năm đến nay, Trạm đã kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật vào tỉnh gồm 1.580 con heo; 135 con trâu, bò, dê, cừu nuôi thương phẩm và 98 con giết thịt; 8.700 con gia cầm”.
Dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể làm chết 100% số heo mắc. Bệnh chỉ lây nhiễm trên loài heo, không lây sang người. Ông Dương Ngọc Thanh cho biết thêm: “Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng dự thảo kế hoạch hành động để ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn. Kế hoạch đã đưa ra 2 tình huống giả định là khi chưa phát hiện bệnh dịch và tình huống phát hiện ổ bệnh dịch tả heo châu Phi. Việc thực hiện tốt kế hoạch hành động sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra và phát triển chăn nuôi của tỉnh bền vững”.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm