Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngăn chặn dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm qua biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các huyện tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) đang triển khai cấp bách các biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm qua biên giới.

Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện nay, tại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) đã xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi. Đây là tỉnh có đường biên giới giáp với Gia Lai nên nguy cơ dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh rất cao. Vì vậy, ngày 5-4, UBND tỉnh đã có Công điện hỏa tốc số 04/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố không được chủ quan lơ là mà phải triển khai cấp bách các giải pháp phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Phun tiêu độc khử trùng khu vực nuôi heo. Ảnh: L.N



Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, UBND huyện Chư Prông đã khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Ngay sau khi nhận được Công điện của UBND tỉnh, UBND huyện đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các phòng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao, các đồn Biên phòng Ia Mơr, Ia Lốp, Ia Púch và các xã, thị trấn triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh. “Tuy nhiên, do sợ công văn đến các đơn vị chậm sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng-chống dịch bệnh, tôi đã điện thoại chỉ đạo trực tiếp cho từng đơn vị để triển khai công việc. Trước hết, các đơn vị phải thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, huyện về các giải pháp phòng-chống bệnh như thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến của bệnh; giám sát chặt chẽ đàn heo của từng hộ gia đình; tổ chức phun tiêu độc khử trùng, tuyên truyền, tập huấn cho người dân, người chăn nuôi về dấu hiệu nhận biết heo mắc bệnh, biện pháp phòng bệnh...”-ông Dũng thông tin thêm.

Cũng theo ông Dũng, đối với 2 xã biên giới Ia Mơr, Ia Púch, huyện đã chỉ đạo phải vận động người dân nuôi nhốt động vật, không thả rông; phối hợp với đồn biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, lối mở khu vực biên giới, không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Đặc biệt, nghiêm cấm mua bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo từ tỉnh Ratanakiri vào địa bàn huyện dưới mọi hình thức.

Tại xã biên giới Ia Mơr, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi heo của người dân vẫn ổn định, chưa xảy ra dịch bệnh. Toàn xã có hơn 1.000 con heo được nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình và theo hình thức thả rông là chính. Tuy là xã biên giới nhưng Ia Mơr không có các đường mòn, lối mở nên giao thương không diễn ra, hạn chế dịch bệnh xâm nhiễm. Song để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh xâm nhiễm, chính quyền xã đã cử cán bộ xuống tận các thôn, làng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân về tác hại của dịch bệnh, làm chuồng trại để nuôi nhốt gia súc. Đặc biệt, xã kết hợp với 2 đồn Biên phòng Ia Mơr và Ia Lốp  quản lý chặt người ra vào khu vực biên giới và hạn chế việc qua lại 2 bên biên giới để thăm thân. Hiện cán bộ thú y xã đang nhận hóa chất từ huyện để cấp cho người dân phun tiêu độc khử trùng khu vực nuôi nhốt heo. “Tuy nhiên, việc phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bệnh cho heo cũng gặp nhiều khó khăn do đa số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã là người dân tộc thiểu số, còn tập quán nuôi thả rông là chính”-ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.

Còn tại huyện biên giới Ia Grai, chính quyền và ngành chức năng cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống dịch bệnh xâm nhiễm. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: “Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức họp khẩn để triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm chủ động phòng-chống dịch tả heo châu Phi; triển khai công tác cấp hóa chất và phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 2-2019. Ngoài ra, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện; thành lập đội kiểm soát lưu động, trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh động vật. Đối với các xã, thị trấn, huyện yêu cầu tăng cường giám sát đàn vật nuôi, phát hiện sớm để có giải pháp ứng phó kịp thời, không để lây lan ra diện rộng; chỉ đạo đội ngũ thú y viên cơ sở tăng cường theo dõi đàn heo đến tận hộ chăn nuôi. Đặc biệt, huyện yêu cầu các xã biên giới Ia O, Ia Chía phối hợp với các đồn biên phòng tuyên truyền, vận động người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân bên kia biên giới… nhằm hạn chế, không để dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.


Ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông: “Đến thời điểm này, huyện Chư Prông đã cấp 360 lít hóa chất Benkocid cho các xã, thị trấn tiến hành phun tiêu độc khử trùng các điểm buôn bán động vật, sản phẩm động vật 1 lần/ngày. Tại các hộ chăn nuôi phun 1 lần/tuần”.
 

LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm