Ngăn chặn lạm thu ngay đầu năm học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tình trạng lạm thu các khoản đóng góp ở nhiều đơn vị trường học không chỉ khiến phụ huynh bức xúc mà còn làm xấu hình ảnh môi trường giáo dục. Vì vậy, ngay từ đầu năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này.
Cuối tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà ký công văn chỉ đạo ngành GD-ĐT thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; học phí đào tạo cao đẳng, trung cấp của các trường công lập trong năm học 2018-2019. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị giáo dục thực hiện đúng nguyên tắc thu học phí, chính sách miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập cũng như nguyên tắc thu-chi-quản lý các khoản đóng góp. Đơn vị, cá nhân nào cố ý vi phạm, thu các khoản ngoài quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
Quyết liệt ngăn chặn lạm thu
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở GD-ĐT đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm việc thu-chi đầu năm nhằm tránh tình trạng lạm thu, làm xấu hình ảnh ngành GD-ĐT ngay trước khi các trường bước vào tuần thực học đầu tiên (27-8).
Trước đó, Sở cũng đã có công văn hướng dẫn cụ thể các khoản thu theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2018-2019. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tư Sơn cho biết: “Sở hướng dẫn cụ thể từng khoản thu là để giúp các trường thực hiện đúng quy định và phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tinh thần chung của ngành là các khoản thu rải ra, không tạo áp lực đầu năm cho phụ huynh. Tính đến thời điểm này, Sở chưa nhận được phản ánh nào về trường hợp thu sai quy định. Tuy nhiên, Sở cũng có kế hoạch  tổ chức các đoàn kiểm tra vấn đề này để chấn chỉnh kịp thời nếu có sai phạm”.
 Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
Tình trạng lạm thu thường diễn ra nhiều ở khu vực đô thị. Tuy vậy, ở TP. Pleiku, những năm qua, tình trạng này lại được ngăn chặn khá hiệu quả. Hiện nay, các trường trên địa bàn thành phố không tổ chức may đồng phục, bán bảng tên cho học sinh mà đưa mẫu để phụ huynh tự mua sắm cho con em mình. Việc thu-chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được Ban Giám hiệu các trường quán triệt bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. “Trước đây, nhiều đơn vị vướng vào lạm thu từ chính các khoản do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề ra. Do đó, chúng tôi chỉ đạo các trường phải nêu rõ những khoản được và không được thu để Ban đại diện cha mẹ học sinh nắm, không làm sai, tránh ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường; nghiêm cấm hành động bắt tay giữa Ban Giám hiệu nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu tiền trái quy định. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm nếu có trường hợp vi phạm”-ông Nguyễn Đình Thức-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT TP. Pleiku-khẳng định.
Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường trên địa bàn thành phố không được đề ra quy định số tiền ủng hộ bình quân cho các phụ huynh. Mọi đóng góp, mức đóng góp phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản như: bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên...Về phía hiệu trưởng các trường, hầu hết mong muốn nhận được sự hợp tác của phụ huynh trong việc ngăn chặn tình trạng lạm thu. Phụ huynh cần phản ánh những khoản thu sai quy định của Ban đại diện cha mẹ học sinh để các trường kịp thời ngăn chặn.
Không lợi dụng xã hội hóa để lạm thu
Xã hội hóa giáo dục được khuyến khích nhằm cải thiện điều kiện học tập, nâng cao chất lượng dạy-học. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa giáo dục phải dựa trên nguyên tắc minh bạch, công khai, thiết thực. Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết: “Mầm non là bậc học đòi hỏi đẩy mạnh công tác xã hội hóa bởi nhu cầu bán trú, sinh hoạt ngoài trời... của trẻ ngày càng tăng cao. Do đó, các trường phải huy động nhiều nguồn lực xã hội để hoàn thiện môi trường, điều kiện học tập của trẻ như sân chơi, khu vận động ngoài trời, mở rộng bếp ăn bán trú... Hầu hết các hạng mục này không được Nhà nước đầu tư thêm mà khuyến khích xã hội hóa. Để tránh tình trạng lạm thu, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình xã hội hóa. Trong quá trình triển khai, nếu chưa nhận được sự đồng thuận 100% của phụ huynh thì chưa được làm”.
Xã hội hóa giáo dục chính là thực hiện những khoản thu được thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh để triển khai một số hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi đóng góp, mức đóng góp, thời gian đóng góp đều dựa trên tinh thần tự nguyện. Hiện nay, đa số phụ huynh tham gia xã hội hóa vì nhận thấy sự cần thiết. Những nơi có điều kiện kinh tế, phụ huynh đóng góp bằng tiền mặt còn ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì đóng góp bằng ngày công, bằng hiện vật như cây xanh và vật dụng để cải tạo môi trường học tập cho con em. “Các khoản xã hội hóa dựa trên nguyên tắc thiết thực, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng dạy-học thì phụ huynh chúng tôi hoàn toàn tự nguyện đóng góp”-ông Nguyễn Văn Quân-phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP. Pleiku) nói.
Nhằm tránh tình trạng lợi dụng xã hội hóa để lạm thu, Phòng GD-ĐT huyện Đak Đoa đã có nhiều văn bản hướng dẫn các trường trên địa bàn thực hiện công tác này. Ông Bùi Văn Hớn-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đak Đoa-cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các trường xây dựng đề án từng hạng mục xã hội hóa, tiến hành lấy ý kiến của phụ huynh và phải nhận được 100% sự đồng thuận mới được triển khai. Sau đó, còn phải thông qua chính quyền nơi trường đứng chân để phối hợp thực hiện, tránh dư luận không đáng có trong thực hiện xã hội hóa”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm