Thời sự - Bình luận

Ngăn chặn tai nạn giao thông trong thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ trong 3 ngày (từ ngày 3 đến 5-5), trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người dân tộc thiểu số (DTTS) khiến 7 người thiệt mạng, 1 người bị thương. Trong số này có 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Đức Cơ làm 6 người chết, 1 người bị thương. Vụ còn lại xảy ra ở huyện Kông Chro làm 1 người chết. Đáng chú ý, trong cả 3 vụ TNGT trên, người điều khiển xe máy đều ở độ tuổi thanh-thiếu niên, có trường hợp mới 14 tuổi và chưa có giấy phép lái xe.



Ngay sau khi xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Đức Cơ, ngày 6-5, UBND tỉnh đã có Công điện số 06/CĐ-UBND về tập trung các giải pháp phòng ngừa TNGT trong thanh-thiếu niên DTTS. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp trong quản lý, giáo dục, ngăn chặn TNGT liên quan đến thanh-thiếu niên DTTS; trong đó, huy động tối đa các lực lượng tập trung tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp thanh-thiếu niên DTTS vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên tất cả các tuyến, địa bàn được phân công phụ trách, nhất là về chiều tối và ban đêm. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tỉnh chỉ đạo MTTQ và đoàn thể các cấp tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động, phòng ngừa TNGT liên quan đến xe mô tô trong thanh-thiếu niên DTTS.

Hiện trường vụ tai nạn làm 3 người chết và 1 người bị thương tại làng Lung (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ). Ảnh: V.N
Hiện trường vụ tai nạn làm 3 người chết và 1 người bị thương tại làng Lung (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ). Ảnh: V.N



Không phải đến bây giờ, chính quyền và ngành chức năng tỉnh ta mới quan tâm tới việc phòng ngừa, ngăn chặn TNGT trong vùng đồng bào DTTS nói chung, thanh-thiếu niên DTTS nói riêng. Trong thực tế, việc này luôn được chính quyền và ngành chức năng chú trọng, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, xem như một giải pháp quan trọng để kiềm chế TNGT. Cuối năm 2019, khi trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người điều khiển mô tô, xe gắn máy là đồng bào DTTS, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em chưa đủ tuổi điều khiển xe theo quy định, UBND tỉnh đã có Công văn số 2524/UBND-NC về việc tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa TNGT liên quan đến xe mô tô trong đồng bào DTTS. Đến đầu tháng 3-2020, tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 2 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, trước tình hình TNGT trong đồng bào DTTS tăng 44,44% số vụ, tăng 150% số người chết và tăng 33,33% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng đây là một trong 3 vấn đề cần đặc biệt quan tâm, tìm giải pháp xử lý. Cũng vào đầu tháng 3 vừa qua, Ban An toàn Giao thông tỉnh đã có Công văn số 15/BATGT-VP về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa TNGT trong thanh-thiếu niên DTTS. Theo đó, Ban An toàn Giao thông tỉnh đề nghị các sở, ngành và Ban An toàn Giao thông các địa phương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa TNGT trong thanh-thiếu niên DTTS.

Thực trạng TNGT trong thanh-thiếu niên DTTS đã được nhận diện. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được phân tích kỹ. Những giải pháp phòng ngừa cũng đã được đề ra, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Vậy tại sao TNGT trong thanh-thiếu niên DTTS vẫn diễn biến phức tạp với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng? Câu trả lời có lẽ bởi sự thiếu quyết liệt của ngành chức năng và chính quyền địa phương, đặc biệt là ở cơ sở, đối với vấn đề này.

Tai nạn giao thông trong thanh-thiếu niên DTTS đã trở thành vấn đề nhức nhối, để lại những hậu quả đau lòng đối với gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế TNGT của tỉnh. Việc tập trung các giải pháp phòng ngừa như đã nêu trong Công điện số 06/CĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 6-5 là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi các ngành, địa phương phải hết sức quyết liệt vào cuộc. Trong đó, việc tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài ra, một giải pháp cần đặc biệt quan tâm là tuyên truyền, vận động người dân không giao xe mô tô, xe gắn máy cho người chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe. Trong trường hợp phát hiện hành vi này, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý. Làm tốt việc này tức là chúng ta đã ngăn chặn từ gốc tình trạng thanh-thiếu niên DTTS điều khiển xe máy càn quấy gây tai nạn.

LÊ HÀ



 

Có thể bạn quan tâm