Thời sự - Bình luận

Ngăn chặn thái độ vô cảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện một clip ghi lại cảnh nhóm học sinh (HS) tại Trường THCS Nguyễn Du (TX.Buôn Hồ, Đắk Lắk) đấm, tát và dùng nón bảo hiểm liên tục đánh một nữ sinh lớp 9, trong khi nạn nhân chỉ biết ôm đầu chịu đòn.

Thời điểm trên, nhiều HS xung quanh chứng kiến vụ việc nhưng không ai can ngăn. Nhiều em cười cợt, cổ súy; có em dí sát điện thoại vào người bị đánh để quay clip, chụp ảnh. Thậm chí, có em còn “hào hứng” đếm từng lần đánh đối với nạn nhân…

Đoạn clip trên đã khiến dư luận bức xúc trước hành vi bạo lực của nhóm HS tuổi teen, cũng như thái độ vô cảm của những người chứng kiến.


 

 Hình ảnh nữ sinh Trường THCS Nguyễn Du (TX.Buôn Hồ, Đắk Lắk) bị đánh gây bức xúc. Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh nữ sinh Trường THCS Nguyễn Du (TX.Buôn Hồ, Đắk Lắk) bị đánh gây bức xúc. Ảnh cắt từ clip


Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh HS ở Đắk Lắk bị đánh đưa lên mạng. Gần đây nhất, từ tháng 3 - 9, MXH lan truyền các clip về 3 vụ HS xô xát xảy ra tại H.Krông Ana; trong đó có vụ một nhóm HS đánh hội đồng nam sinh lớp 10; 2 vụ còn lại là nữ sinh ẩu đả nhau. Các clip ghi lại các vụ bạo lực này cho thấy nhiều HS xung quanh đứng reo hò, cổ vũ mà không hề can ngăn.

Hầu hết các vụ ẩu đả này xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lớp học, giao tiếp, hoặc hiềm khích trên MXH. Tuy nhiên, đáng quan tâm là thái độ vô cảm của số đông người thể hiện trước các vụ bạo lực. Có thể nói, chính sự vô cảm này đã tiếp tay cho các vụ xô xát, xem bạo lực là trò vui, mặc cho sự đau đớn, tủi nhục của nạn nhân.

Các nhà quản lý giáo dục cần xem hiện tượng HS đánh nhau là vấn đề đáng báo động để đánh giá đầy đủ, có biện pháp hiệu quả trong việc giáo dục đạo đức, ứng xử trong trường học, ngăn chặn sự vô cảm, đồng lõa trước cái xấu, cái ác.

Cần nhìn nhận những hành vi bạo lực này cũng đã vi phạm pháp luật, xâm phạm thân thể con người. Ngoài ra, thái độ vô cảm của người chứng kiến, cùng việc ghi lại hình ảnh, đăng clip tràn lan lên MXH còn gây tổn thương tinh thần của nạn nhân. Do đó, việc xử lý bạo lực học đường không chỉ là công việc của nhà trường, mà còn cần trách nhiệm chung tay của gia đình, xã hội, của các cơ quan chức năng.

Theo Trung Chuyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm