Thời sự - Bình luận

Ngăn chặn tội phạm mua bán người

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thực tiễn cho thấy tội phạm mua, bán người đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Ðảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng đến công tác đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này, đồng thời xác định bảo vệ quyền cho nạn nhân mua bán người là trọng tâm của Việt Nam trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này, góp phần bảo đảm quyền con người.
Tuyên truyền cho người dân về phòng, chống mua bán người tại chợ phiên xã Pha Long, huyện Mường Khương (Lào Cai).

Tuyên truyền cho người dân về phòng, chống mua bán người tại chợ phiên xã Pha Long, huyện Mường Khương (Lào Cai).

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm về mua, bán người ở Việt Nam và các nước trong khu vực có những diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng đã triệt để lợi dụng công nghệ cao để lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân qua mạng xã hội, các tài khoản ảo bằng các chiêu trò kết bạn, làm quen, hò hẹn, hứa đưa ra nước ngoài tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài giàu có... nhưng thực tế là lừa bán nạn nhân vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh trái phép, massage, karaoke trá hình.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tính riêng trong quý III năm 2023, lực lượng Công an đã tiếp nhận, giải quyết 92 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua, bán người; phát hiện, điều tra 85 vụ/230 đối tượng phạm tội mua, bán người, xác định 224 nạn nhân bị mua, bán. Thủ đoạn mua, bán người cũng ngày càng phức tạp, tinh vi. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng loại tội phạm này còn hướng tới cả nam giới, trẻ sơ sinh. Mặt khác tội phạm còn sử dụng Việt Nam làm địa bàn trung chuyển nạn nhân mua, bán người từ một số nước trong khu vực sang nước thứ ba, khiến tình hình ngày càng phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Tội phạm mua, bán người tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, bởi đây là "đầu mối" dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật khác như: nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy... Mặt khác, tính vô nhân đạo của tội phạm mua, bán người thể hiện ở tâm lý bất chấp các giá trị đạo đức, lương tri, tính người. Chúng hướng đến những nhóm đối tượng yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội, ít có khả năng kháng cự là phụ nữ, trẻ em.

Nạn nhân của tội phạm mua, bán người bị xâm hại trực tiếp các quyền cơ bản của con người về: tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự... Họ thường bị bóc lột về tình dục, cưỡng bức lao động nặng nhọc gây ra những tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần và tâm lý; bị tước đi quyền làm chủ tính mạng, sức khỏe của bản thân; danh dự bị chà đạp, xúc phạm. Đặc biệt, ở đối tượng trẻ em còn mất đi quyền được học tập, vui chơi và chăm sóc từ gia đình, xã hội. Với các nạn nhân được may mắn trở về, cũng không dễ dàng vượt qua những tổn thương để có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bình thường. Không ít người trong số họ phải đối diện với những vết thương tâm lý nghiêm trọng, luôn tự ti, tách biệt với chung quanh, luôn trong tình trạng mất an toàn, sợ hãi, loạn thần, thậm chí có thể chọn giải tỏa bằng cách làm bị thương chính mình.

Mặc dù tội phạm mua, bán người đe dọa nghiêm trọng nỗ lực bảo vệ quyền con người của các quốc gia nhưng do nguồn lợi bất chính thu được từ mua, bán người là rất lớn, chỉ đứng sau buôn bán ma túy và vũ khí cho nên đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các đối tượng phạm tội tham gia các đường dây mua, bán người sẵn sàng bất chấp pháp luật và vượt qua ranh giới của đạo đức.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của internet và các nền tảng xã hội đã cung cấp những công cụ thuận lợi, nhanh chóng cho các đối tượng trong việc tìm kiếm nạn nhân, thực hiện trao đổi, giao dịch giữa đối tượng mua, bán người... nhưng cơ quan chức năng rất khó để phát hiện. Mặt khác, một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, lười lao động nhưng vẫn muốn có lương cao, thích đi nước ngoài nên dễ bị dụ dỗ, lừa gạt trở thành nạn nhân. Thời gian gần đây, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mong muốn tìm được công việc, tạo dựng cuộc sống ổn định do đó dễ bị dụ vào các chiêu lừa đảo của những đường dây mua, bán người chuyên nghiệp.

Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, mua, bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Từ diễn biến của tình hình đòi hỏi chính phủ các quốc gia phải có sự hợp tác chặt chẽ, cùng nhau đấu tranh, ngăn chặn và kiên quyết loại bỏ tội phạm mua, bán người.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp, nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này. Qua hệ thống pháp luật và các chính sách được ban hành thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn chú trọng quan tâm, nỗ lực bảo đảm quyền của nạn nhân bị mua, bán, nhất là phụ nữ và trẻ em, theo nguyên tắc cốt lõi "lấy nạn nhân là trung tâm". Đồng thời đẩy mạnh công tác tăng cường phối hợp thực hiện xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán một cách nhanh chóng.

Hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, hướng đến bảo vệ quyền con người của các nạn nhân. Cụ thể, Điều 6, Luật Phòng, chống mua, bán người năm 2011 quy định một số quyền của nạn nhân như: được đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản; được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định của Luật; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Nghị định 09/2013/NĐ-CP và Nghị định số 20/2021/NÐ-CP của Chính phủ tạo hành lang pháp lý giúp cho việc bảo vệ nạn nhân ở mức độ tốt nhất như: hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Đồng thời tại Nghị định số 20/2021/NÐ-CP đã điều chỉnh tăng mức hỗ trợ dành cho nạn nhân bị mua, bán được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng.

Về hợp tác đa phương và song phương, Việt Nam đã ký kết và là thành viên tích cực của nhiều công ước, văn kiện pháp luật quốc tế liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống nạn mua, bán người như: Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về mua, bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em... Ngoài ra, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm với các nước, trong đó đều có nội dung phòng, chống tội phạm mua, bán người.

Trên thực tế những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống mua, bán người là không thể phủ nhận. Chính sách về bảo vệ nạn nhân mua, bán người của Việt Nam thể hiện sự tiến bộ khi đã tiếp cận với những giải pháp mới, phù hợp khuyến nghị của các tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới. Đặc biệt ở quan điểm "lấy nạn nhân là trung tâm" và hỗ trợ nạn nhân ngay từ đầu, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro và tổn thương, góp phần bảo vệ được quyền con người ở mức tốt nhất. Nạn nhân khi trở về được tạo mọi điều kiện, bảo đảm các quyền về an sinh xã hội để có thể tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng phản động, cực đoan vẫn không ngừng thực hiện âm mưu, thủ đoạn hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta, cố tình lợi dụng tình hình tội phạm mua, bán người diễn biến phức tạp để xuyên tạc chủ trương bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Thời gian qua, báo cáo đánh giá về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam của một số tổ chức quốc tế do thiếu thiện chí hoặc dựa trên những nguồn dữ liệu không đầy đủ, chắp vá hoặc thiếu chính xác đã đưa ra những đánh giá thiếu khách quan hoặc hoàn toàn sai lệch như cho rằng Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn để loại bỏ nạn mua, bán người và không có các nỗ lực để đáp ứng tiêu chuẩn này.

Các đối tượng phản động chống phá đã khai thác các báo cáo này để xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên những nỗ lực của Việt Nam về bảo đảm quyền con người nói chung, bảo vệ quyền của các nạn nhân của tội phạm mua, bán người nói riêng là không thể phủ nhận, được nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới đánh giá cao. Trên thực tế, dù còn nhiều vấn đề cần bàn cãi, trao đổi, ngay cả Báo cáo tình hình mua, bán người trên thế giới (TIP) 2023 được công bố tháng 6/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng Việt Nam từ nhóm 3 lên nhóm 2. Dù báo cáo còn những nội dung chưa thật sự khách quan, nhưng việc điều chỉnh trong xếp hạng, đánh giá Việt Nam trong TIP đã buộc phải ghi nhận những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được...

Trong bối cảnh hiện nay, công tác đấu tranh phòng ngừa và loại bỏ tội phạm mua, bán người là việc làm có tính cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như sự hợp tác của người dân. Theo đó cần nhanh chóng hoàn thiện Luật Phòng, chống mua, bán người theo hướng sửa đổi, bổ sung những quy định mới phù hợp thực tiễn. Đồng thời cần tăng cường tuyên truyền về thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người để người dân luôn đề cao cảnh giác và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Bản thân mỗi người dân cần tự trang bị những kiến thức về pháp luật, cập nhật thông tin từ các kênh chính thống; tỉnh táo, thận trọng, không để kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo để rồi trở thành nạn nhân của tội mua, bán người. Khi phát hiện có dấu hiệu của việc đưa người đi nước ngoài trái pháp luật, người dân cần báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Có thể bạn quan tâm