Trong nhiệm kỳ mới, tỉnh Quảng Nam nêu bật quyết tâm về một bộ máy sẽ được “sàng lọc” và “không để lọt” những cán bộ không đủ tư cách, trình độ, bản lĩnh. Đồng thời, tỉnh này cho hay siết chặt kỷ cương, để cao trách nhiệm người đứng đầu để chọn ra những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.
Lê Phước Hoài Bảo, người từng được biết đến là “giám đốc sở trẻ nhất nước” nhờ sự vun vén của cha mình là ông Lê Phước Thanh. Ảnh: T.H
“Trái non ép chín”
Lê Phước Hoài Bảo, cái tên quá nổi tiếng và dậy sóng dư luận Quảng Nam và cả nước trong một thời gian dài. Bảo từng được biết đến là giám đốc Sở trẻ nhất nước, Tỉnh ủy viên và đại biểu Hội đồng Nhân dân trẻ nhất Quảng Nam khi được bổ nhiệm các chức vụ này vào năm 2015 lúc tròn 30 tuổi. Gõ từ khóa Lê Phước Hoài Bảo trên tìm kiếm của Google trong vòng 0,44 giây cho ra khoảng 7.770.000 kết quả, chứng tỏ sự quan tâm của dư luận với nhân vật trẻ này.
Ngày Bảo nhậm chức, dư luận lên tiếng đặt câu hỏi về một cán bộ mới 30 tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn đã được đứng đầu một Sở quan trọng bậc nhất của một địa phương? Và liệu không là con trai Bí thư Tỉnh ủy thì Bảo có được bổ nhiệm và cho ngồi vào vị trí đó ?... “Đúng quy trình” là trả lời của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào thời điểm đó giải thích cho việc thăng tiến “thần tốc” của Bảo.
Tháng 3/2018, UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với ông Lê Phước Hoài Bảo. Từ giám đốc ông Bảo về làm chuyên viên tại Sở này. Trước đó vào tháng 2/2018, ông Lê Phước Thanh (cha ruột của Bảo) bị Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010-2015). Bảo được xác định đã không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, có ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học thạc sĩ tại nước ngoài.
Trong khi đó, ông Lê Phước Thanh ( Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016) với cương vị người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ (trưởng phòng của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, phó giám đốc, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; Để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học thạc sĩ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định.
Cha và con cùng bị kỷ luật thể hiện sự nghiêm minh của Đảng và nhà nước trong xử lý sai phạm trong công tác Đảng, công tác cán bộ. Nhưng bài học về sự vun vén con cái trong trường hợp này đã trở thành bài học chua xót không chỉ riêng tỉnh Quảng Nam. “Dục tốc bất đạt” nhiều người ví von trường hợp của Lê Phước Hoài Bảo là “trái non ép chín” mà lỗi một phần không do Bảo mà do những bậc cha, chú nằm trong hàng ngũ đạo tỉnh Quảng Nam đã nâng đỡ, ém “hậu duệ” trong việc đưa Bảo lên vị trí lãnh đạo.
Chấn chỉnh
Ngay sau khi Trung ương thi hành các quyết định kỷ luật, tháng 4/2018, ông Nguyễn Ngọc Quang (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lúc đó) ngay lập tức họp ban hành Chỉ thị 28 về việc thực hiện công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử. Trong chỉ thị này của Tỉnh ủy Quảng Nam đã thẳng thắn chỉ rõ: “…Công tác quy hoạch và rà soát bổ sung quy hoạch đạt chất lượng chưa cao, quy hoạch cán bộ sở ngành chưa ban hành quyết định phê duyệt. Đào tạo, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng, có trường hợp không đúng đối tượng và chất lượng có mặt chưa tốt; luân chuyển đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thẩm quyền gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc thực hiện chính sách cán bộ có mặt còn bất cập. Quản lý hồ sơ cán bộ, đảng viên và kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ thiếu thường xuyên nên chưa kịp thời phát hiện các sai phạm trong công tác cán bộ”.
Một góc TP Tam Kỳ (Quảng Nam) trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: Hà Nguyễn
Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đúng quy định, khắc phục các khuyết điểm sai phạm và thực hiện nghiêm Thông báo số 43 ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng cơ quan đơn vị quán triệt và thực hiện việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân theo hướng hiệu quả thiết thực. Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ nhất là công tác đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo đúng quy định… Đối với Ban cán sự đảng ủy UBND tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành bãi bỏ, hủy bỏ và thu hồi các quy định về công tác cán bộ không đúng, không phù hợp thuộc khối cơ quan chính quyền từ tháng 6/2012 đến nay. Đồng thời chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong công tác cán bộ.
Đầu năm 2019, ông Phan Việt Cường được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thay ông Nguyễn Ngọc Quang (nghỉ hưu). Trên cương vị mới, ông Cường khẳng định: Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thường xuyên thực hiện phê bình và tự phê bình, thực hiện nghiêm quy chế làm việc và chương trình công tác Đảng bộ đề ra. Đồng thời luôn luôn lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, không ngừng học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, tinh thần học hỏi ở đồng chí, đồng nghiệp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao…
Để chuẩn bị tốt việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), ngày 31/7 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 45. Yêu cầu đầu tiên trong chỉ thị quan trọng này, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: Phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ cương; coi trọng chất lượng hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy trước hết là người đứng đầu…
Trong đó, công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Đồng thời, ông Cường cũng yêu cầu không để lọt những trường hợp chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm quy tắc dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm.
Những người quan liêu cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan đơn vị và bản thân cán bộ cũng được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu sàng lọc và loại bỏ.
Đối với cơ cấu cấp ủy, ủy viên Ban thường vụ, Bí thư tỉnh Quảng Nam cũng cho biết: Cơ bản đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn lĩnh vực quan trọng; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; thực hiện chủ trương không nhất thiết sở, ban, ngành, địa phương nào cũng phải có người tham gia cấp ủy; đồng thời thống nhất quy định một số chức danh cụ thể có cơ cấu ban thường vụ, số cơ cấu còn lại do cấp ủy quyết định theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ. Kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả việc chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ từ nơi khác đến...
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
|
Nguyễn Thành (TP)