Ngăn ngừa tai nạn lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động, năm 2012, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 15 vụ tai nạn lao động, làm chết 5 người, bị thương 13 người; so với năm 2011 tăng 4 vụ, số người chết tăng 4 người. Cũng trong năm 2012 đã xảy ra 24 vụ cháy (không tính số vụ cháy rừng), gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng, làm chết 4 người, bị thương 2 người.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động kể trên là do lao động không chấp hành quy trình làm việc, không sử dụng đúng cách các phương tiện bảo vệ cá nhân và các vụ cháy nổ do sự cố kỹ thuật thiết bị, sự cố hệ thống điện, sơ suất trong sử dụng lửa, cháy lan từ bên ngoài vào…

 

Nhiều lao động ngoài quốc doanh chưa được thực hiện đầy đủ về các phương tiện bảo hộ lao động. Ảnh: Đ.Y
Nhiều lao động ngoài quốc doanh chưa được thực hiện đầy đủ về các phương tiện bảo hộ lao động. Ảnh: Đ.Y

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động chưa quan tâm đến sự an toàn và sức khỏe của người lao động, không thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, trang bị bảo hộ lao động, tổ chức huấn luyện cho người lao động.

Đáng nói nhất là phải kể đến các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Hầu hết các doanh nghiệp này khi tuyển dụng lao động vào làm việc đều không tổ chức huấn luyện quy trình làm việc. Do vậy, người lao động không nắm được các quy định của pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng-chống cháy nổ… Đó cũng là những nguyên nhân gây ra tai nạn lao động.

Đơn cử như vụ sập đài cấp nước đang xây tại công trường xây dựng công trình Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai (thôn 6, xã Diên Phú, TP. Pleiku) vào đầu tháng 6-2012, do Công ty cổ phần Nam Sao (huyện Chư Prông) và Công ty cổ phần Xây dựng A&T xây dựng làm cho 6 người đang thi công phần bệ cấp nước phía trên giàn giáo cùng rơi xuống. Do rơi từ chiều cao khoảng 11 mét nên các công nhân đều bị thương nặng và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rất may không có ai bị thiệt mạng. Theo các nạn nhân, nguyên nhân vụ tai nạn là do đổ bê tông lệch một bên, khiến giàn giáo chịu lực không đều, gãy, đổ sập xuống nên cả giàn bê tông đổ sập xuống theo.

Mặt khác, công tác chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ có nơi vẫn chưa được quan tâm đúng lúc. Ý thức chấp hành các quy định về pháp luật an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ của chủ doanh nghiệp và người lao động còn nhiều hạn chế. Công tác tự kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không được tiến hành thường xuyên.

Các vi phạm về pháp luật an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ được các đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện, kiến nghị nhưng không được tiếp thu sửa chữa kịp thời. Công tác thống kê, báo cáo tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các doanh nghiệp chấp hành không nghiêm. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 50/2.500 doanh nghiệp có báo cáo về công tác này. Hơn nữa, việc xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe nên không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa việc tái diễn.

Tại Hội nghị triển khai Tuần lễ quốc gia an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ lần thứ 15-2013 vào cuối tháng 1 vừa qua, các đại biểu và thành viên Ban chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh đã thảo luận và đề ra nhiều giải pháp thực hiện để trước, trong và sau Tuần lễ quốc gia an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ đạt hiệu quả và chất lượng. Đó là tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp cải thiện và nâng cao điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động; ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Tại Hội nghị, ông Măng Đung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh, yêu cầu: Các cấp chính quyền, địa phương, đơn vị sản xuất kinh doanh, người lao động trên địa bàn tỉnh cần triển khai tốt các hoạt động hưởng ứng tuần lễ, làm sao vừa thiết thực, hiệu quả vừa thu hút được đông đảo người lao động, nhân dân và toàn xã hội cùng tham gia  nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm