Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngang nhiên lấn chiếm đất rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp, được chính quyền xã Hbông nhiều lần vận động, yêu cầu tạm dừng nhưng ông Đinh Ngọc Quang (trú tổ dân phố 11, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) vẫn không hợp tác, thậm chí có thái độ chống đối. Nghiêm trọng hơn, diện tích đất ông Quang đang canh tác tại làng Tnung (xã Hbông) thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất do UBND xã quản lý.

Diện tích đất của ông Quang tự nhận là của mình thuộc khoảnh 2, tiểu khu 1069 nằm trong phần diện tích 4 ha được UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để giao Công ty cổ phần CTN Chư Sê (Công ty CTN) xây dựng nhà máy chế biến đá mỹ nghệ. Sau đó, vì nhiều lý do Công ty này không thực hiện dự án, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi và giao lại cho UBND huyện Chư Sê quản lý.

 

Chính quyền xã Hbông cưỡng chế tháo dỡ nhà của ông Quang sau nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản nhưng ông này vẫn cố tình vi phạm. Ảnh: M.N

Khẳng định đất “hợp pháp”?

Trao đổi với P.V Báo Gia Lai, ông Đinh Ngọc Quang khẳng định: Diện tích đất này được ông mua, khai hoang và sử dụng từ năm 2006 đến nay. Cụ thể: Năm 2006, ông Quang mua của ông Rơ Lan Siu (trú làng Troòng, huyện Chư Sê; nay thuộc huyện Chư Pưh) phần diện tích là 0,4 ha. Năm 2008, ông Quang tiến hành khai hoang thêm 2,6 ha đất rừng, tăng phần diện tích đất đang sử dụng lên gần 3,1 ha. Sau đó, ông Quang đã bán 1,9 ha cho ông Đinh Tiến Đạt (tổ dân phố 11, thị trấn Chư Sê); còn lại 1,1 ha ông Quang trồng chuối, xoan và hoa màu.

Ông Quang cho rằng, từ năm 2006 đến nay, ông canh tác hoa màu, trồng bắp, đậu, xoan và không xảy ra tranh chấp với ai. Nhiều hộ dân xung quanh đều xác nhận đất này do ông khai hoang. Tuy nhiên, đến ngày 10-2-2017, khi ông tiến hành xây nhà để trông coi rẫy thì chính quyền xã Hbông đến thông báo đất này của Công ty CTN. “Do chưa được hỗ trợ đền bù, cũng chưa gặp người của Công ty CTN nên tôi tiếp tục xây nhà cho xong. Đến ngày 24-2-2017, UBND xã Hbông đã cử lực lượng đến phá nhà, hoa màu. Người dân chúng tôi rất bức xúc cách làm này của chính quyền xã. Nếu Nhà nước thu hồi đất của chúng tôi đang sử dụng phải có đền bù hoặc hỗ trợ cho tôi; nếu không thì UBND huyện Chư Sê phải có ý kiến trả lời để tôi sử dụng đất ổn định”-ông Quang nói.

Tại buổi làm việc với P.V, ngoài việc khẳng định phần đất này được mua và khai hoang từ năm 2006, ông Quang chứng minh tính “hợp pháp” của diện tích đất này bằng “Giấy xác nhận sang nhượng đất” viết tay trên giấy tập học sinh với nội dung: Ông Rơ Lan Siu đã đồng ý sang nhượng đất và quyền khai hoang tại làng Tnung, quốc lộ 25, xã Hbông cho ông Quang với diện tích 0,4 ha, giá 3 triệu đồng. Thời gian ghi trên hồ sơ này là ngày 12-10-2006, có chữ ký giữa 2 bên mua bán và người làm chứng mà không hề có xác nhận của chính quyền địa phương. Ngoài ra, ông Quang còn trình bày việc phá rừng của ông là hợp pháp, bởi “theo Nghị định của Chính phủ cho người dân sống ven rừng thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên và Phú Yên được phép phá rừng làm rẫy và trồng cây xen kẽ”?

Lấn chiếm đất rừng

Trong khi đó, ông Nguyễn Cẩm-Bí thư Đảng ủy xã Hbông khẳng định: Đất của ông Đinh Ngọc Quang đang sử dụng thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất do UBND xã Hbông quản lý. Nói về nguồn gốc đất, ông Cẩm cho biết: Ngày 7-6-2010, UBND tỉnh có Quyết định số 98/QĐ-UBND cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 4 ha đất để giao Công ty CTN xây dựng nhà máy chế tác đá mỹ nghệ. Vị trí phần đất xin thuê được xác định thuộc khoảnh 2, tiểu khu 1069 thuộc đất rừng sản xuất do UBND xã Hbông quản lý. Trước khi nhận phần đất này, ngày 7-3-2010, Công ty CTN đã tiến hành bồi thường, hỗ trợ cho 3 hộ dân có diện tích đất đã khai hoang và cây cối hoa màu tại khu vực này cho các hộ ông Nguyễn Chánh, Nguyễn Thanh Tùng và bà Đàm Thị Thạnh với diện tích 2,41 ha; diện tích còn lại là đất trống có cây tái sinh.

“Nếu ông Quang có khai hoang thì đã được nhận bồi thường, hỗ trợ công khai hoang, cây cối hoa màu trên đất từ Công ty CTN. Chúng tôi khẳng định, sau khi giao đất cho Công ty CTN, ông Quang mới lấn chiếm đất, khai hoang phần diện tích đất mà Công ty này đã xin thuê để trồng cây xoan, chuối và hoa màu”-ông Cẩm khẳng định. Bí thư Đảng ủy xã Hbông cho biết thêm: Sau thời gian dài bàn giao đất nhưng Công ty CTN không triển khai xây dựng dự án, đến ngày 9-5-2013, UBND tỉnh mới ra Quyết định số 28/QĐ-UBND thu hồi diện tích đất này giao cho UBND huyện Chư Sê quản lý.

Việc ông Quang phản ánh chính quyền xã Hbông phá nhà mà không thông báo là không đúng sự thật. Trên thực tế, UBND xã Hbông đã nhiều lần mời ông Quang lên làm việc nhưng ông này tỏ thái độ không hợp tác, không chịu ký biên bản làm việc và đưa ra nhiều ý kiến theo cảm tính cá nhân. “Khi phát hiện ông Quang xây dựng công trình trái phép và có hành vi lấn chiếm đất, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu dừng việc xây dựng công trình vi phạm nhưng ông Quang không hợp tác. Chúng tôi đã lập biên bản, báo cáo UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo sau đó mới tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ căn nhà xây dựng trái phép này”.

Theo ông Cẩm, nhiều năm nay, chính quyền xã Hbông thường xuyên ra thông báo đến các hộ dân yêu cầu không được canh tác trên những phần đất này; nghiêm cấm các hành vi mua, bán, sang nhượng; nếu cố tình vi phạm xã sẽ xử lý theo quy định. Riêng hộ ông Quang không được sang nhượng, xây dựng công trình trên đất, trả lại đất khi UBND xã tiến hành triển khai kế hoạch sử dụng đất. “Hiện xã Hbông đã có dự án quy hoạch diện tích 14 ha ở khu vực này để cấp đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Dự án đang được UBND huyện Chư Sê xem xét trình lên tỉnh”-ông Cẩm thông tin.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm