(GLO)- Những năm gần đây, ngành chăn nuôi có sự chuyển dịch từ nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô tập trung theo chuỗi liên kết khép kín. Đây là bước đi nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các loài vật nuôi và ổn định thị trường tiêu thụ, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.
Thay đổi phương thức chăn nuôi
Từ nhiều năm nay, ông Dương Văn Hoàng (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng lạnh để chăn nuôi khoảng 8.000 con gà đẻ trứng theo mô hình khép kín đảm bảo an toàn sinh học. Đàn gà được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Hàng ngày, ông vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun hóa chất tiêu độc khử trùng định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y để đảm bảo các điều kiện phòng bệnh. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn so với chăn nuôi trong chuồng hở như trước đây.
Còn ông Lê Đình Hà-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp-Dịch vụ Hneng (huyện Đak Đoa) thì cho biết: “Hợp tác xã đầu tư xây dựng 2 trại nuôi heo, mỗi trại có quy mô 1.200 con. Hợp tác xã liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam theo hình thức nuôi gia công. Cách làm này mang lại hiệu quả vì HTX được Công ty cung cấp con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Công ty sẽ bao tiêu toàn bộ số heo thương phẩm nên HTX không phải lo đầu ra mà chỉ tập trung quản lý, chăm sóc cho tốt”. Theo ông Hà, một trại nuôi heo mỗi năm xuất chuồng 2 lứa trị giá khoảng 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, HTX lợi nhuận khoảng 400-450 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn tận dụng nguồn phân chuồng để sản xuất phân vi sinh bón cho cà phê, hồ tiêu… nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhân viên Trung tâm giống vật nuôi tỉnh chăm sóc heo con giống chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Thu hút các dự án chăn nuôi
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 379 trại chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trong đó có 125 trại nuôi bò, 204 trại nuôi heo và 50 trại gà. Bên cạnh đó, có 107 hộ liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam theo hình thức chuỗi khép kín với 85 trại chăn nuôi heo và 22 trại gà. Đặc biệt, ngành chăn nuôi đang thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, có 41 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, trong đó có 6 dự án đã đi vào hoạt động và 35 dự án đang thực hiện chủ trương đầu tư. Mới đây, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã liên kết hợp tác đề nghị được đầu tư dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai với tổng vốn trên 1.000 tỷ đồng. Đây được xem là cơ hội để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng bền vững trong những năm tới.
Ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: “Những năm trước, số hộ chăn nuôi nhiều nhưng sản phẩm không được bao tiêu, lại gặp rủi ro cao như: dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, các sản phẩm của ngành chăn nuôi cơ bản đáp ứng đủ cho thị trường trong tỉnh và xuất bán ra các tỉnh khác. Ngành chăn nuôi đang chuyển dịch dần từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp áp dụng công nghệ cao, cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định”.
Cũng theo ông Thanh, hiện nay, mật độ chăn nuôi tại Tây Nguyên còn thấp so với đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Nam Bộ. Do đó, thời gian tới, các tổ chức, cá nhân sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tại khu vực Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai. Để đón bắt cơ hội này, tỉnh cũng cần chuẩn bị quỹ đất, các chính sách ưu đãi… để thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.
NGUYỄN DIỆP