Ngành Giáo dục-Công an: Hiệu quả từ công tác phối hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 3 năm ký kết thi đua giữa Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh và các đơn vị, trường học trực thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động.

Kết quả từ thực tế

Trường THCS Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) nằm trên tuyến quốc lộ 14, nơi có mật độ xe lưu thông đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Do vậy, nhà trường đã bố trí Đội Cờ đỏ thường xuyên giám sát, nhắc nhở học sinh chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Em Trương Cao Yến Nhi-học sinh lớp 5 Trường THCS Nghĩa Hưng cho biết: “Mỗi khi tan trường, Đội Cờ đỏ chúng em đều có mặt ngay tại cổng trưởng để nhắc nhở các bạn đội viên khi ra về phải đi đúng phần đường, không lạng lách đánh võng, không chạy hàng 2, hàng 3 trên đường; chấp hành tốt Luật Giao thông Đường bộ”.

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) sử dụng phương tiện xe buýt đưa đón đến trường. Ảnh: M.N
Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) sử dụng phương tiện xe buýt đưa đón đến trường. Ảnh: M.N

Hiểu được nỗi lo của các bậc cha mẹ học sinh đối với sự an toàn của con em mình, hơn 8 năm qua, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp thực hiện đưa đón học sinh. Chỉ khoảng 300.000 đồng/tháng, không những tránh được mưa nắng, học sinh còn được xe đón đi học và về đến nhà đúng giờ. Hiện đã có 1/3 số học sinh của trường đã đăng ký tham gia đưa đón bằng xe buýt. Thầy Nguyễn Thành Huê-Hiệu trưởng nhà trường đánh giá: “Bằng phương tiện xe buýt, các em học sinh luôn được đảm bảo an toàn giao thông. Hơn nữa, học sinh không phải tự đi xe máy, giảm thiểu lượng xe máy rất lớn lưu thông trên đường; cha mẹ các em cũng không phải mất công, mất thời gian đưa đón”.

Theo Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, 100% học sinh các trường học trên địa bàn đã viết cam kết không vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, có xác nhận của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm. Ngành Giáo dục và Công an đã phối hợp tổ chức 548 lượt tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ tại các trường học, thu hút 166.485 học sinh, giáo viên tham gia; tổ chức 300 lượt chiếu phim tuyên truyền cho hơn 70 trường học, thu hút hơn 950.000 giáo viên, học sinh tham gia. Thông qua các đợt chiếu phim, đơn vị còn kết hợp trao tặng gần 2.200 mũ bảo hiểm cho học sinh. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, các trường cao đẳng, đại học, trung cấp tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ cho 6.745 giáo viên và 4.500 sinh viên.

Chính vì vậy, tai nạn giao thông liên quan đến giáo viên, học sinh đã giảm rõ rệt, cụ thể, trong 3 năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông liên quan đến giáo viên, học sinh làm chết 35 người, bị thương 19 người; xảy ra 91 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 110 người. So với 3 năm liền kề đã giảm 5,13% số vụ, 2,78% số người chết và 20,83% số người bị thương. Một số địa phương được xem là điểm sáng khi không để xảy ra tai nạn giao thông và va chạm giao thông có liên quan đến giáo viên, học sinh là các huyện: Kông Chro, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa.

 

Trong 3 năm ký kết, lực lượng Công an phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 2.222 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm, tạm giữ xe 524 trường hợp (lỗi không có giấy phép lái xe và điều khiển xe không đúng độ tuổi quy định) với số tiền xử phạt hơn 840,15 triệu đồng; tước giấy phép lái xe đối với 392 trường hợp, phạt vi phạm hành chính 683 triệu đồng. Tuyên truyền, nhắc nhở 3.065 trường hợp người dân, phụ huynh chở con em đến trường không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.

Đẩy mạnh công tác phối hợp

Nói về công tác phối hợp của ngành với Công an tỉnh, ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết: “Sở đã chỉ đạo đưa việc giảng dạy Luật Giao thông Đường bộ vào các chương trình chính khóa với thời lượng 2 tiết/lớp trong suốt năm học; yêu cầu các trường thường xuyên tuyên truyền giáo dục học sinh trong các buổi chào cờ đầu tuần bằng các pa-nô, xây dựng cổng trường an toàn giao thông, đưa  ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ vào đánh giá hạnh kiểm học sinh…”.

Đại tá Phạm Văn Uấn nhận định: Các đơn vị thuộc ngành Giáo dục đã phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các trường học, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo tiền đề cho sự phối-kết hợp lâu dài. Tuy nhiên, hiện tình trạng học sinh đi xe mô tô, xe gắn máy đến trường khi chưa đủ tuổi còn diễn ra thường xuyên, chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.

Theo Đại tá Phạm Văn Uấn, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, 2 ngành cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân tồn tại, bất cập đối với từng nội dung cam kết về đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu đã ký kết. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung lực lượng, phương tiện mở các đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên; giải quyết các yếu tố tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông ở từng tuyến, từng địa bàn. Đồng thời chủ động phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các đơn vị, trường học thực hiện tốt các nội dung đã cam kết”-Đại tá Uấn cho biết.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm