Ngành mía đường của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ gian lận thương mại, buôn lậu, biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA theo lộ trình từ đầu năm 2020 tới.
Ngành mía đường đã ba năm liên tiếp gặp khó khăn
Sức ép từ nhiều phía
Niên vụ 2018 - 2019 là năm thứ ba liên tiếp, ngành mía đường của Việt Nam gặp khó. Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 - 60%. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp.
Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, đây là mức tồn kho kỷ lục từ trước đến nay. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Nhiều nhà máy phải tạm dừng hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 và trong năm 2020.
Ông Thạch Phước Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết, trước đây tỉnh có khoảng 4.500 - 5.000 ha diện tích đất trồng mía đường, đời sống của người dân và công ty mía đường phát triển rất tốt và là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, gần đây giá mía giảm sâu khiến đời sống bà con vô cùng khó khăn.
Chi phí đầu tư mỗi 1.000m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 - 4 triệu khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản nhưng việc này cũng không hề đơn giản. Từ 4.500ha diện tích đất trồng mía trên toàn tỉnh hiện đã giảm giảm xuống mạnh còn 3.500ha.
Đáng chú ý, theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ 5%.
Trong bối cảnh ngành mía đường đang chịu nhiều sức ép từ tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường ngày càng gia tăng và khó thể kiểm soát, việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA được nhiều chuyên gia cho rằng, chắc chắn sẽ càng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường.
Tại tọa đàm: “Làm gì để ngành mía đường vượt bẫy hội nhập?” do Báo Dân Việt tổ chức, ông Lê Hồng Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, trước khi ký hiệp định thương mại, Việt Nam đã chưa đánh giá đầy đủ về ngành mía đường, dẫn đến việc đưa ra thời điểm thực thi hội nhập 1/1/2020.
Hệ quả là sau hội nhập chắc chắn hàng triệu người nông nhân trồng mía sẽ không có việc làm, do đó, nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ ngành mía đường. Ông Thái khẩn thiết đề nghị Chính phủ cần thận trọng, đánh giá toàn diện làm sao đảm bảo được đời sống nhân dân khi hội nhập.
Phân tích cụ thể về ngành mía đường của Việt Nam, ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Sơn La cho biết, năng suất mía hiện nay của Việt Nam đang là 70 tấn/ha tại các vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn. Trong khi đó, ở Thái Lan với điều kiện tốt hơn nhiều, thậm chí còn được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía nhưng họ cũng chỉ đạt được 72 - 75 tấn/ha.
Ông Đặng Việt Anh. Ảnh: Dân Việt |
Điều này khẳng định việc sản xuất trên cánh đồng mía của Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào. Nếu được hội nhập một cách công bằng, các doanh nghiệp mía đường trong nước chắc chắn sẽ "đuổi" đường Thái Lan về nước.
Tuy nhiên, hiện giá đường của Việt Nam cao hơn Thái Lan là do ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay.
Theo tính toán dựa trên báo cáo của Hiệp hội Mía đường Mỹ, Chính phủ Thái Lan đang trợ giá tối thiểu 1,5 tỷ USD/năm, tương đương 3.000 đồng/kg cho ngành mía đường của nước này.
Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. Hơn hai năm vừa qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.
"Hội nhập trong hoàn cảnh cạnh tranh bất bình đẳng và gian lận thương mại từ Thái Lan vào thời điểm này sẽ đẩy nông dân và các nhà máy vào tử địa. Các hộ nông dân trồng mía, doanh nghiệp chế biến đường chắc chắn sẽ chịu tổn hại lớn, thậm chí ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đường nhập khẩu từ Thái Lan", ông Việt Anh lo ngại.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường MK, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn mía đường Lộc Hằng cho rằng, Việt Nam đang ở mức sản xuất mía đường ngang ngửa với các nước trong khối ASEAN.
"Nếu nông dân có điều kiện sản xuất và bảo hộ từ nhà nước như Philippines và Indonesia thì chúng ta cứ hội nhập, còn không, ngành mía đường của Việt Nam sẽ chết. Minh chứng cho điều này là thời gian qua, đường nhập lậu ồ ạt tràn vào Việt Nam không kiểm soát được khiến giá mía đường giảm. Cách đây một năm, các doanh nghiệp mía đường đã tuyên án tử với mình khi giá mía xuống mức quá thấp", ông Lộc nói.
Giải bài toán khó từ hội nhập
Trước bài toán đặt ra cho ngành mía đường Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, mía đường là ngành rất quan trọng. Nếu Thái Lan bảo hộ ngành đường, tại sao Việt Nam không làm. "Chúng ta cũng có thể áp dụng được những biện pháp không thua kém nước ngoài, đưa ra những giải pháp bảo hộ cần thiết phù hợp và khả thi", ông Phong nói.
Về vấn đề buôn lậu, theo ông Phong, Chính phủ cần có luật xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong buôn lậu. Đồng thời, phải quy hoạch ổn định ngành mía đường như với quy hoạch an ninh lúa gạo, thực hiện hỗ trợ cho ngành mía ở tất cả các khía cạnh từ giống, tiêu dùng, xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các sản phẩm từ mía đường, đặc biệt là về sản phẩm năng lượng.
Đứng trên góc nhìn khác, ông Đặng Việt Anh cho rằng, vấn đề đặt ra đối với ngành mía đường hiện nay là các cơ quan chức năng phải tính toán, phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc hệ lụy của việc thực hiện Hiệp định ATIGA đến lợi ích của quốc gia, người nông dân, đồng bào trồng mía, công nhân lao động và doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Việt Nam cần xác định một lộ trình thực hiện cam kết ATIGA phù hợp, dựa trên các nguyên tắc công bằng, minh bạch, đảm bảo hài hoà lợi ích hợp pháp của quốc gia, các bên liên quan và ổn định an ninh, kinh tế, chính trị tại các địa phương.
Cụ thể, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn như hiện nay, các cơ quan chức năng cần xem xét tạo điều kiện 5 năm cho các nhà máy đường Việt Nam cùng nông dân khôi phục lại vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất và an sinh xã hội địa phương, tái cân bằng vị thế với Thái Lan.
Sau năm năm, Việt Nam sẽ thực thi ATIGA trên cơ sở tái đàm phán với Thái Lan về hạn ngạch và mức thuế nhập khẩu 20 - 25% như các nước Indonesia và Philipines đã làm. Năm năm là khoảng thời gian để khôi phục cây mía, đảm bảo sinh kế cho nông dân đồng thời đánh giá tác động toàn diện của ATIGA cũng như tính toán mức thuế và hạn ngạch khi thực thi hiệp định cho phù hợp, ông Việt Anh kiến nghị.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, mặt hàng đường là mặt hàng cuối cùng được áp dụng hạn ngạch thuế quan cho các nước Asean. Đến 1/1/2020, nếu Việt Nam tiếp tục vi phạm cam kết, khả năng rất cao sẽ bị trừng phạt thương mại.
Ngoài ra, nếu trong trường hợp vi phạm, vi phạm lại, trong 90 ngày Việt Nam sẽ bị "trả đũa" ngay theo quy định ở hiệp định. Trong khi đó, từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới đến nay, Việt Nam luôn thực hiện các quy định rất nghiêm túc và đúng pháp luật, ông Thái nhấn mạnh.
Còn theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nông thôn, chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với quá trình hội nhập quốc tế nói chung và ngành mía đường nói riêng là chấp nhận hội nhập, cạnh tranh.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn. Ảnh: Dân Việt |
Đưa ra giải pháp cho ngành mía đường trong thời gian tới, ông Tuấn cho rằng, giá thành sản xuất mía đường của Việt Nam cao hơn nhiều so với khu vực là do giá nguyên liệu, giá mía cùng những hạn chế trong sản xuất giống, điều kiện quy mô sản xuất. Việt Nam chưa có những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, hay tận dụng đủ các phế phẩm.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang có kế hoạch hành động để triển khai Quyết định 1369 về phê duyệt đề án phát triển mía đường Việt Nam đến 2020, hướng đến 2030 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường.
Việt Nam sẽ xây dựng ngành mía đường phát triển tổng thể, khai thác có hiệu quả, phù hợp với hội nhập quốc tế, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu đến 2020 ổn định diện tích trồng mía, sản lượng mía 20 triệu tấn, đường là 2 triệu tấn. Trong đó, trú trọng việc xây dựng các chính sách hỗ trợ ngành đường phát triển, tăng năng suất để ổn định chất lượng, tăng sản lượng.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đồng ý và khuyến khích Hiệp hội Mía đường thành lập quỹ phát triển mía đường để hỗ trợ người trồng mía, phù hợp với cơ chế thị trường. Quan điểm chung khi hội nhập quốc tế là Việt Nam phải tận dụng được những lợi thế của mình và thúc đẩy năng lực cạnh tranh, ông Tuấn nhấn mạnh.
An Chi (TheLEADER)