Kinh tế

Nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp phát triển chưa bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành nông nghiệp Gia Lai chịu nhiều thiệt hại do hạn hán gây ra, giá trị sản xuất đạt thấp so với kế hoạch. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường khiến người nông dân luôn gặp bất lợi.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, giá trị sản xuất của ngành nông- lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm đạt 1.468 tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch và 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản xuất nông nghiệp đạt 1.389 tỷ đồng (trồng trọt 1.176 tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch; chăn nuôi 204 tỷ đồng đạt 49%; dịch vụ 6,9 tỷ đồng); lâm nghiệp 67 tỷ đồng; thủy sản 11,5 tỷ đồng…

 

Nông dân huyện Chư Sê thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: N.D

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 10.419 ha cây trồng bị hạn nặng với thiệt hại trên 196 tỷ đồng. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng chủ lực đều thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Cụ thể: lúa nước đạt 53,8 tạ/ha, giảm 3,7 tạ/ha; bắp 34 tạ/ha giảm 3,4 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực chỉ ở mức 151.225 tấn, đạt 87,4% kế hoạch, giảm 11.571 tấn.
 

Đến thời điểm này toàn tỉnh đã gieo trồng được 142.061 ha cây trồng các loại, đạt 73% kế hoạch và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tập trung chủ yếu là lúa nước 25.063 ha; lúa rẫy 7.574 ha; bắp 31.638 ha; mì trồng mới 48.007 ha…

Mặc dù ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp như vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tập trung đầu tư nâng cao năng suất sản lượng… nhưng sự phát triển của ngành nông nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Không chỉ trồng trọt bị ảnh hưởng, diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị tác động rất lớn do hạn hán. Chăn nuôi có chuyển biến tích cực khi hạn chế được sự bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tuy nhiên, do giá cả đầu ra bấp bênh trong khi giá thức ăn luôn duy trì ở mức cao, khiến người chăn nuôi liên tiếp bị lỗ nặng và xuất hiện tâm lý không muốn duy trì sản xuất kinh doanh. Đây là trở lực và thách thức đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Đặc biệt, giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

Ông Kpa Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhìn nhận: “Sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn không ít khó khăn thách thức, việc quy hoạch các vùng nguyên liệu thường xuyên bị phá vỡ do giá cả thị trường biến động…”. Cũng theo ông Kpa Thuyên, vụ mùa 2013 đang gặp thời tiết thuận lợi. Vì vậy, Sở đã vận động các địa phương tập trung gieo trồng đạt và vượt kế hoạch đề ra, bù lại diện tích đã mất trong vụ sản xuất trước.

Theo các chuyên gia, để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững cần có chính sách đầu tư phù hợp ở từng vùng; đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT cần thường xuyên nắm bắt diễn biến thị trường để hướng dẫn nông dân chọn hướng sản xuất hợp lý nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm