Thời sự - Bình luận

Ngày 20.11: Không nên 'định giá' lòng biết ơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Lòng biết ơn của chúng ta đối với thầy cô giáo không chỉ nhân ngày 20.11, chính là một nhân cách. Mà nhân cách thì không nên bị vật chất hoá hoặc tìm cách 'định giá' bằng tiền.
 

Lòng biết ơn của học sinh đối với thầy cô thể hiện nhân cách - Ảnh: BÍCH THANH
Lòng biết ơn của học sinh đối với thầy cô thể hiện nhân cách - Ảnh: BÍCH THANH


Quà tặng ngày 20.11 không được quá 5000.000 đồng

Đó là quy định mà mỗi dịp sắp đến ngày 20.11 một trường phổ thông đã gửi thông báo đến các phụ huynh. Đều đặn, suốt 7 năm qua dù vật giá leo thang cỡ nào, thông báo vẫn như vậy: Nhà trường không cấm phụ huynh bày tỏ lòng biết ơn, tri ân đến các giáo viên của con mình. Tuy nhiên, nhà trường cũng quy định, mọi món quà tri ân đến các thầy cô có giá trị quy đổi đều không được quá 500.000đ. Và nhà trường tuyệt đối cấm giáo viên được nhận tiền từ phụ huynh dù chỉ 1.000đ.

Với 500.000 đồng, phụ huynh chỉ mua được 1 bó hoa trong ngày 20.11. Nhưng nếu không tặng hoa thầy cô ngày 20.11, liệu lòng biết ơn, sự tri ân thầy cô có bị giảm giá trị đi không?

Khi đặt ra mệnh đề này, hẳn sẽ nhiều phụ huynh đồng ý rằng: Lòng biết ơn không thể quy đổi ra bằng tiền. Nhưng buồn thay, đó lại là hiện trạng của không chỉ những năm gần đây. Khi ngày 20.11 luôn là “dịp” để các cha mẹ biến nó thành một sự “hối lộ” thầy cô, mong “thầy cô để mắt đến cháu”. Ở nhiều ngôi trường, lớp 40- 50 học sinh thì 90% bố mẹ đều “hiểu chuyện” nên ngày 20.11 có khi lại thành cuộc chạy đua của các phụ huynh với những món quà “nổi bật” hơn để con mình “nổi bật” hơn.

Nhưng xin hãy khoan lên án các thầy cô “nhìn quà chấm điểm”. Vẫn có những giáo viên ngày 20.11  không dám đón các phụ huynh đến chơi vì những món quà của họ. Không nhận thì họ lại lo lắng, sợ hãi. Mà nhận thì phụ huynh sẽ ngấm ngầm nghĩ rằng “vậy là con mình sẽ được cô lưu ý hơn”.

Dạy con cách biết ơn thầy cô

Lòng biết ơn, tri ân thầy cô giáo nhân ngày 20.11 là một điều tốt đẹp trong văn hoá của chúng ta, là uống nước nhớ nguồn, là tôn sư trọng đạo. Nhưng khi nó bị gắn với nột cái giá nào đó  thì lại trở thành việc mua bán. Đừng đổ lỗi cho thầy cô đòi hỏi. Cũng đừng đổ lỗi cho phụ huynh làm hư thầy cô. Cả 2 bên đều đang bị thao túng bởi “thị trường quà tặng 20.11”.

 

Dạy trẻ lòng biết ơn không dịp nào tốt bằng dịp ngày 20.11 này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Dạy trẻ lòng biết ơn không dịp nào tốt bằng dịp ngày 20.11 này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Có một sự ngầm hiểu đen đúa đang chảy quanh ta, đang vươn vòi bạch tuộc khắp mọi nơi. Muốn chặt đứt vòi bạch tuộc của nó cần đến sự ra tay mạnh mẽ, quyết liệt từ chính các ban giám hiệu, Bộ GD-ĐT bằng chế tài như trường phổ thông kia đang áp dụng. Làm thế để loại bỏ những phụ huynh coi "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", để môi trường giáo dục làm sạch và sáng lại 2 chữ tri ân đúng nghĩa chứ không bị thao túng bởi “thị trường quà tặng ngày 20.11”.

Chính cha mẹ phải dạy con mình lòng biết ơn thầy cô không phải bằng thứ có thể mua bằng tiền. Thầy cô phải khiến học trò và phụ huynh thực hành lòng biết ơn bằng chính trái tim của mình thay vì quy đổi nó ra thành tiền mặt. Những đứa trẻ sẽ coi thường sự tận tâm của thầy cô và cho rằng thầy cô tận tâm với mình vì đã nhận “quà” của bố mẹ mình mỗi dịp 20.11, nếu như chính chúng ta, các phụ huynh, đang dạy con cái mình về 2 chữ biết ơn có thể quy đổi thành tiền.

Dạy trẻ lòng biết ơn không dịp nào tốt bằng dịp ngày 20.11 này. Đây chính là dịp để học sinh cùng nhau viết thư cảm ơn đến những người đã dạy dỗ mình, đã cho mình những điều tốt đẹp. Học sinh không chỉ biết ơn những người đang đứng trên bục giảng mà còn là cả những cô lao công trong trường, những chú bảo vệ hay kể cả thầy cô chưa từng dạy mình.

Theo HOÀNG ANH TÚ (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm