Ngày hội du lịch huyện Kbang năm 2022: Đậm đà bản sắc dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những hoạt động trình diễn văn hóa tiêu biểu trong khuôn khổ Ngày hội du lịch năm 2022 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho du khách về vùng đất Kbang (tỉnh Gia Lai) giàu bản sắc. Không chỉ vậy, qua Hội chợ Nông sản, thực phẩm, Kbang còn khẳng định sự trù phú, giàu tiềm năng trong phát triển nông nghiệp cũng như nỗ lực thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ.



Đậm đà bản sắc văn hóa

Huyện Kbang là nơi hội tụ 21 dân tộc anh em cùng đoàn kết sinh sống. Các dân tộc đã tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo, mang sắc thái riêng, giàu bản sắc. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt trong 3 ngày diễn ra Ngày hội Du lịch với các hoạt động biểu diễn cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc và các trò chơi dân gian.

Ông Trịnh Văn Tâm-công chức Văn hóa xã Lơ Ku-cho biết: “Hiện trên địa bàn xã có 12 dân tộc sinh sống, trong đó có các dân tộc như Mông, Tày, Nùng, Mường, Thái, Thổ, Sán Chỉ… Tại ngày hội, xã đăng ký tham gia gian hàng và các trò chơi dân gian đặc trưng của các dân tộc phía Bắc, gồm: nhảy bao bố, ném còn, bịt mắt bắt vịt, đổ nước vào chai và làm các loại bánh dày, bánh lá. Từ các hoạt động này nhằm giúp người dân tự hào, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình và tạo không khí vui tươi, hứng khởi”.

Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kbang tham quan gian hàng của thị trấn Kbang tại ngày hội. Ảnh: Ngọc Minh


Duy trì nghề làm bánh rán, bánh dày, bánh cuốn của người Tày hơn 20 năm nay, bà Vi Thị Duyên (làng Nam Cao, xã Tơ Tung) cũng đăng ký đem các món bánh đặc sản đến bày bán tại ngày hội. Bà bộc bạch: “Tuy đường sá xa xôi nhưng bán tại ngày hội được nhiều gấp 5 lần so với ở nhà. Từ hôm qua đến nay tôi bán được 500 cái bánh các loại. Nhiều người ăn thấy ngon cũng đặt hàng, dặn giao bánh đến tận nhà để thưởng thức”.

Biết dệt thổ cẩm từ 15 tuổi và nắm vững quy trình trồng bông, se chỉ, nhuộm sợi, nhiều năm nay, bà Đinh Thị Năm (SN 1962, làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng) thường xuyên tham gia trình diễn dệt thổ cẩm tại các lễ hội do tỉnh, huyện tổ chức. Bên khung cửi, bà Năm trò chuyện: “Mỗi lần tham gia tôi đều chuẩn bị các dụng cụ, sợi vải và giới thiệu tới du khách những hoa văn đặc trưng trên váy áo của phụ nữ Bahnar. Có nhiều người chụp hình, chăm chú dõi theo, nhiều người cũng ngỏ ý muốn dệt thử. Tôi cảm rất vui vì mình đã góp một phần nhỏ bé vào việc quảng bá, gìn giữ bản sắc văn hóa cho dân tộc”.

Các nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm, quảng bá nét văn hóa truyền thống của địa phương. Ảnh: Ngọc Minh


Cách nhóm dệt thổ cẩm không xa, ông Đinh Khách (làng Hợp, thị trấn Kbang) cùng một số nghệ nhân đang cặm cụi hoàn thiện một chiếc gùi. Ông Khách tự hào nói: “Tôi biết đan từ khi còn nhỏ. Mỗi khi rảnh, tôi lại ngồi tỉ mẩn đan từng chiếc gùi. Không chỉ được dùng trong sinh hoạt hàng ngày, tôi còn bán cho người trong làng, đồng thời đem sản phẩm đi các hội chợ thương mại để giới thiệu đến du khách gần xa, quảng bá sản phẩm độc đáo của dân tộc mình”.


Ngày hội du lịch còn rộn ràng bởi thanh âm cồng chiêng trầm bổng cùng vòng xoang uyển chuyển của các thiếu nữ miền sơn cước. Chị Đinh Thị Ái-thành viên đội cồng chiêng nữ làng Groi (xã Kông Pla) háo hức nói: “Đội cồng chiêng nữ thành lập được 5 năm với 45 thành viên. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia trình diễn cồng chiêng ở cấp huyện nên ai cũng háo hức. Tôi hi vọng những năm sau huyện sẽ tiếp tục tổ chức Ngày hội du lịch để chúng tôi có cơ hội phát huy năng khiếu, quảng bá văn hóa địa phương”.


Quảng bá sản phẩm địa phương


Nằm trong khuôn khổ của ngày hội, Hội chợ Nông sản, thực phẩm huyện Kbang được bố trí tại khu vực hoa viên thị trấn đã thu hút khoảng 120 gian hàng của các xã, thị trấn, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn cùng các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Bình Định và Kon Tum tham gia. Đây là cơ hội để các đơn vị, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, chủ lực, đồng thời xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Cẩn thận sắp xếp từng củ sâm lên gian hàng, anh Nguyễn Quang Chính (xã Kon Pne, huyện Kbang) phấn khởi nói: “So với 2 lần trước, năm nay, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, mua nhiều hơn. Gian hàng hoạt động 1,5 ngày đã bán được gần 50 kg sâm đá, sâm khỏe, 1 tạ rau dớn, 2 tạ măng khô, 10 con gà rừng, gần 100 đọt mây... Chúng tôi cũng đã nhận được vài đơn đặt hàng mua sâm khỏe, sâm đá”.

Cũng lần đầu tiên tham dự Ngày hội du lịch, đơn vị huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã vượt hơn 200 km để mang tới trưng bày nhiều sản phẩm chiết xuất từ củ sâm Ngọc Linh. Bà Mai Thị Luận-Trưởng đoàn-chia sẻ: “Đến đây chúng tôi được huyện tiếp đón chu đáo, bố trí gian hàng rộng rãi để trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tôi thấy Kbang và Tu Mơ Rông có nhiều sản phẩm dược liệu tương đồng như nấm linh chi, nấm cổ cò, một số loại sâm. Qua đây, chúng tôi hi vọng tìm kiếm được đối tác, chia sẻ kinh nghiệm sảm xuất, tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Ngày hội du lịch Kbang năm 2022 thu hút khoảng 120 gian hàng đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn và các huyện, thị xã lân cận trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Ngọc Minh


Tham gia gian hàng tại hội chợ, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) đã đem đến các sản phẩm chủ lực như bưởi da xanh, dừa xiêm, gạo hữu cơ, mật ong dú, một số bún, bánh làm từ gạo, trứng chim trĩ. Ông Thái Thành Việt-Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định)-cho hay: “Chúng tôi đem tới Ngày hội các sản phẩm do bà con ở 15 xã, thị trấn trên địa bàn sản xuất, nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Những ngày tham gia ngày hội, chúng tôi thấy huyện Kbang cũng có nhiều loại trái cây tươi ngon, đặc biệt là các sản phẩm dược liệu quý như nấm, lan kim tuyến, sâm. Các thành viên trong đoàn ai cũng mua mỗi thứ một ít về dùng và làm quà biếu người thân, bạn bè”.

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ngày hội Du lịch Kbang năm 2022 đánh dấu sự trở lại của hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, du lịch của địa phương. Không gian nơi tổ chức các hoạt động văn hóa cũng như hội chợ lúc nào cũng tấp nập, nhộn nhịp bởi du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, mua sắm. Ông Nguyễn Xuân Trường (tổ 2, thị trấn Kbang) đã mua 3 cây hoa cảnh, dầu đậu phộng, một ít bún miến. Ông Trường bộc bạch: “Hàng hóa tại các gian hàng khá phong phú, đa dạng, rau trái tươi ngon. Vợ tôi cũng ra mua để gửi cho các con ở TP. Hồ Chí Minh. Mong dịch bệnh được kiểm soát để bà con buôn bán, sản xuất thuận lợi, ngày hội tiếp tục được huyện tổ chức để người dân có dịp hiểu thêm về những mặt hàng nông sản cũng như thế mạnh của địa phương”.



Trao đổi với P.V, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Năm 2020 và 2021, huyện không tổ chức Ngày hội Du lịch bởi dịch bệnh. Ngày hội Du lịch năm 2022 là cơ hội để huyện Kbang đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của huyện tới bạn bè, du khách, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bên cạnh những gian hàng của các xã, thị trấn, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn, năm nay huyện cũng mời một số huyện lân cận của tỉnh Bình Định và Kon Tum tham gia gian hàng nhằm đa dạng, phong phú chủng loại hàng hóa giới thiệu tới bà con, du khách tham quan mua sắm, đồng thời giới thiệu các mặt hàng nông sản, dược liệu, đồ thủ công truyền thống của địa phương với các đơn vị bạn. Hoạt động này nhằm tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ, tìm kiếm cơ hội liên kết, tiêu thụ sản phẩm của người dân cũng như quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch với du khách muôn phương”.


 

NGỌC MINH

 

Có thể bạn quan tâm