Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngày hội văn hóa huyện Kbang năm 2017: Lung linh sắc màu văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự hội tụ sắc màu văn hóa đặc trưng của đồng bào Bahnar Đông Trường Sơn từ trang phục đến ẩm thực, từ sự tài hoa của đàn ông đến sự khéo léo duyên dáng của phụ nữ, từ nhịp điệu sôi động của lớp trẻ đến sự thâm trầm của lớp người già... đã khiến cho Ngày hội văn hóa huyện Kbang trở thành sự kiện có sức hấp dẫn đặc biệt với người dân lẫn du khách.

Sự mê hoặc của văn hóa

Điểm nhấn ấn tượng trong ngày hội năm nay chính là nhiều hoạt động văn hóa diễn ra tại Làng kháng chiến Stơr-một ngôi làng vừa được phục dựng nằm trên sườn núi hướng về phía Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ngôi làng có kiến trúc nhà sàn truyền thống, lợp tranh, nằm giữa màu xanh của núi rừng thoạt nhìn đã có sự mê hoặc với khách phương xa. Dưới những mái nhà sàn vững chãi ấy, có những hoạt động diễn ra như vốn có từ ngàn đời: đàn ông đan lát, đàn bà dệt vải, tiếng giã gạo thậm thịch của trai gái, tiếng trầm đục của rìu rựa trong việc đẽo tượng của những người già cả tài hoa... Sắc màu văn hóa được phô diễn gần như trọn vẹn trong ngôi làng Bahnar trên quê hương cánh chim đầu đàn Tây Nguyên-Anh hùng Núp. Ở phía nhà rông, từng vòng xoang khi xích lại, lúc dãn ra, khi nhịp nhàng khoan thai, lúc phấn khích rộn rã của những đội cồng chiêng khiến người dân không rời mắt.

Câu lạc bộ cồng chiêng nữ xã Tơ Tung, huyện Kbang. Ảnh: Đức Thụy

Các hoạt động diễn ra trong ngôi làng thu hút hàng ngàn lượt người đến thưởng thức, trải ngiệm. Nằm trong các hoạt động của ngày hội, nhưng ở mỗi khu vực Ban tổ chức khéo léo để một tấm biển “nơi trải nghiệm dệt thổ cẩm truyền thống”, “nơi trải nghiệm bắn nỏ”... khiến du khách mất đi cảm giác đang xem sự trình diễn, sắp đặt, mà được trải nghiệm cuộc sống chân thực vẫn hàng ngày diễn ra trong những ngôi làng. Nhiều người thích thú khi được trải nghiệm cảm giác cầm chày giã gạo, vỡ òa sung sướng khi được nghệ nhân hướng dẫn cách dùng sức lẫn kỹ thuật để kéo cánh cung oai dũng khiến mũi tên lao vút về đích...

Có mặt tại ngày hội văn hóa nhân chuyến khảo sát du lịch vùng Đông Trường Sơn trong chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh, các thành viên trong đoàn famtrip đã bị mê hoặc. Ông Nguyễn Tấn Hòa-Giám đốc Công ty Du lịch Thanh niên Việt Nam (Festival), chia sẻ: “Những gì diễn ra trong ngày hội văn hóa quá ấn tượng với tôi. Nhiều màn trình diễn cồng chiêng khiến du khách mãn nhãn, đặc biệt là những bước di chuyển nhịp nhàng, uyển chuyển của những đứa trẻ trong khi trình diễn cồng chiêng khiến tôi kinh ngạc, thích thú vô cùng. Lần đầu tiên xem trình diễn cồng chiêng tôi có cảm xúc mạnh như vậy”. Đại diện của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Lữ hành (Saigon Tourist), chị Chị Phan Yến Ly khẳng định: “Làng kháng chiến Stơr sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn với những sắc màu văn hóa riêng có. Cùng với ẩm thực là những món ăn truyền thống phục vụ du khách ngay trong nhà sàn, làng có nhiều lợi thế để thu hút du khách, phát triển du lịch, biến đây thành sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của tỉnh”.    

Đây còn là ngày hội của các nhiếp ảnh gia bởi hội tụ đầy đủ sắc màu văn hóa của người Bahnar Đông Trường Sơn từ trang phục đến ẩm thực, những ngành nghề truyền thống đặc trưng. Hàng chục tay máy chuyên lẫn không chuyên không bỏ lỡ từng khoảnh khắc đẹp trong ngày hội. Có lẽ ngoài việc “săn” cho được những hình ảnh đẹp giúp quảng bá về con người, văn hóa của vùng đất Gia Lai với bạn bè bốn phương, sắc màu văn hóa  ngày hội đã mê hoặc những người nghệ sĩ yêu cái đẹp này.

Bản sắc hội tụ


 

Vòng xoang ngày hội. Ảnh: Minh Triều

Ngày hội văn hóa huyện Kbang năm 2017 được tổ chức trong 2 ngày (23 và 24-7) thu hút 14 đội chiêng đến từ các xã, thị trấn và các huyện, thị xã thuộc khu vực phía Đông tỉnh; 60 nghệ nhân trong các lĩnh vực, nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, bắn cung...
 

Đêm hội cồng chiêng diễn ra tại khu vực Quảng trường huyện đã đưa hàng ngàn người dân và du khách bước vào không gian văn hóa đặc trưng của người bản địa Tây Nguyên. Đội chiêng đến từ các xã, thị trấn và các huyện lân cận đã mang tới đêm hội những bài nhạc chiêng truyền thống, do những người con ưu tú của làng trình diễn. Sự duyên dáng, phóng khoáng được phô diễn trọn vẹn trong từng nhịp xoang, từng nhịp cồng chiêng âm vang. Ở đó, những khát khao, mong ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc được tỏ bày một cách ý nhị, kín đáo nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ.  

Ngày hội văn hóa còn thu hút người xem ở khả năng chơi các loại nhạc cụ truyền thống của cư dân bản địa. Ai đó nói rằng, mỗi người bản địa sinh ra đã là nghệ sĩ từ trong máu. Điều này không phải nghi ngờ khi nghe họ chơi đàn và hát ca. Dù độc tấu, song tấu hay hòa tấu, những loại nhạc cụ dân tộc-vốn được làm từ vật liệu thô sơ của núi rừng vẫn truyền đi thông điệp mạnh mẽ về những giá trị văn hóa được kết tinh qua nhiều thế hệ. Lớp kế cận chỉ là một trong những mắt xích đã và đang góp phần làm cho các giá trị ấy thăng hoa trong đời sống. Sự gặp gỡ của các nghệ nhân, của những diễn viên quần chúng đồng thời còn là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm trong hành trình gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong mỗi cộng đồng làng. Ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang, chia sẻ: “Ngày hội văn hóa được huyện tổ chức hàng năm để tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa của người Tây Nguyên. Mỗi người dân sẽ tự hào về vẻ đẹp văn hóa tinh thần đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Niềm tự hào ấy sẽ giúp họ ý thức hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy vốn quý văn hóa”.

Sắc màu văn hóa trong ngày hội như một bức tranh có những gam màu tươi vui và trầm tĩnh. Và ai cũng thấy điều này: mỗi nghệ nhân, mỗi một người Bahnar đều kín đáo thể hiện niềm tự hào của mình trước di sản ngàn đời. Niềm tự hào ấy truyền cảm hứng, lan tỏa đến người xem để rồi sức quyến rũ của văn hóa bản địa cứ thế ám ảnh mãi không thôi.

 Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm