Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV: Tập trung thảo luận các dự thảo luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 21-10, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Phát biểu trực tuyến tại kỳ họp, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, đại biểu Rơ Mah Tuân đã nêu nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Quang cảnh ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phương Linh

Tại kỳ họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Dự án Luật Cư trú đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 47. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 7 chương và 38 điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành là từ ngày 1-7-2021 như đề xuất của Chính phủ.

Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã ghi nhận hơn 20 ý kiến góp ý và nhiều ý kiến tranh luận trực tuyến của các đại biểu về những nội dung trong dự thảo Luật Cư trú. Hầu hết ý kiến đều tập trung vào góp ý, điều chỉnh các Điều 20, 27, 28, 38 của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Về một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1 của dự thảo Luật nêu: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31-12-2022; thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú”.

Đây là phương án được đại đa số đại biểu tán thành. Đại biểu Rơ Mah Tuân-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai-nêu ý kiến: “Phương án này phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, bảo đảm điều kiện trong quá trình xây dựng hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sẽ hạn chế tối đa việc xáo trộn trong cuộc sống của người dân. Phương án này sẽ tạo thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sang sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú”.

Đại biểu Rơ Mah Tuân phát biểu ý kiến góp ý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp. Ảnh: Phương Linh


Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Rơ Mah Tuân cũng đồng ý với phương án 1 của điều kiện đăng ký thường trú trong dự thảo Luật về việc giao HĐND cấp tỉnh quy định mức diện tích nhà ở tối thiểu về chỗ ở cho thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của địa phương, giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn của từng địa phương.

Về việc đăng ký tạm trú, đại biểu Rơ Mah Tuân cũng đồng ý với ý kiến không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cũng đề nghị bổ sung 1 khoản trong Điều 32 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp với Bộ Công an thực hiện hoạt động quản lý cư trú, tạm trú, lưu trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng ở khu vực biên giới, cửa khẩu và kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về cư trú ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Các đại biểu tiến hành thảo luận, tranh luận, góp ý xoay quanh các nội dung của dự thảo Luật.

PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm