Ngày mai tươi sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mê muội theo tà đạo “Hà Mòn”, những người bỏ gia đình, buôn làng trốn ra rừng đã trải qua những chuỗi ngày lao đao, vất vưởng giữa hang hốc, bụi bờ. Giờ đây, họ trở về với mong muốn có được cuộc sống ấm êm cùng người thân và dân làng.
Vòng tay bao dung
Ngày cuối năm, chúng tôi cùng Đại úy Hoàng Thái Sơn-Đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Mang Yang) đến thăm gia đình Kưnh (SN 1991, làng Kret Krot, xã Hà Ra, huyện Mang Yang). Dưới gian nhà nhỏ có bếp lửa hồng, họ trò chuyện thân tình trong tiếng nô đùa của con trẻ. 
Đại úy Hoàng Thái Sơn và Kưnh biết nhau trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Một đêm tháng 3-2020, Kưnh và 2 người khác là Lúp (SN 1970), Jưr (SN 1964, cùng trú làng Kret Krot) bị Đại úy Sơn và đồng đội ập vào bắt giữ khi đang lẩn trốn trong rừng. Nhưng trong thời gian bị tạm giữ tại Công an huyện, Kưnh thêm hiểu và quý mến cán bộ Sơn.
Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao phần thưởng cho Công an tỉnh về thành tích xuất sắc trong việc truy bắt 3 đối tượng tà đạo “Hà Mòn” cuối cùng. Ảnh: Thúy Trinh
Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao phần thưởng cho Công an tỉnh về thành tích xuất sắc trong việc truy bắt 3 đối tượng tà đạo “Hà Mòn” cuối cùng. Ảnh: Thúy Trinh

Đại úy Sơn cho biết: “Lúc mới bị lực lượng Công an bắt giữ, tâm lý của Kưnh không ổn định, cơ thể gần như suy kiệt vì thời gian dài lẩn trốn trong rừng. Qua tác động, giải thích của cán bộ Công an, cả 3 đã hiểu ra bản chất thật sự của tà đạo này, cam kết không tái phạm và bày tỏ nguyện vọng được trở về đoàn tụ với gia đình. Xét cho cùng, họ cũng là nạn nhân của tà đạo “Hà Mòn”. Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất cấp trên để họ được trở về làng”.
Ngày trở về, Kưnh chua xót nhìn 3 đứa con nép sau lưng mẹ, nhìn cha với ánh mắt xa lạ, sợ sệt. Phải mất rất nhiều thời gian, Kưnh mới khiến các con gần gũi với mình hơn. Một trong những việc đầu tiên Kưnh làm là rủ vợ là Yoai đi chụp một bức hình cưới nho nhỏ, treo thật trang trọng trong nhà. Kưnh vừa học xong một lớp trồng và chăm sóc cà phê. Ngoài cải tạo hơn 200 cây cà phê trong vườn nhà, Kưnh còn trồng keo trên diện tích 2 ha đất rẫy.
Những tháng ngày đen tối
Nghĩ lại hơn 8 năm lẩn trốn trong rừng, Kưnh vẫn còn kinh sợ. Đó là chuỗi ngày tăm tối mịt mù, bệnh tật, đói rét trong những bộ áo quần tả tơi, rách rưới. Với một giọng buồn, đôi mắt như vô định nhìn về khoảng trời xa xăm qua ô cửa sổ, Kưnh kể những năm tháng sống chui nhủi trong rừng. 
... Theo quy định, những người trốn ra rừng không ở chung với nhau mà chia thành các nhóm nhỏ để tránh bị Công an phát hiện. Chúng tôi thường ở trong hang nhưng không có hang nào cố định mà phải di chuyển thường xuyên. Năm 2013, tôi bị ốm nặng. Nằm trong hang tối đen như mực, tôi thực sự tuyệt vọng, cảm nhận cái chết đang cận kề. Trong cơn mộng mị chập chờn, tôi nghe tiếng cồng, tiếng chiêng từ xa xôi vọng lại. Tôi thấy mình được ăn bữa cơm ấm cúng bên gia đình do mẹ và vợ nấu, được cùng cha lên rẫy, đi bẫy chuột đồng, được chơi đùa cùng các con như lúc còn ở làng. Tỉnh lại, tôi đã bật khóc nức nở. 
Gia đình Kưnh trò chuyện với cán bộ an ninh Công an huyện Mang Yang. Ảnh: Thúy Trinh
Gia đình Kưnh trò chuyện với cán bộ an ninh Công an huyện Mang Yang. Ảnh: Thúy Trinh
Trong nhóm, không ai có viên thuốc nào. Thấy tôi ốm nặng, một người kiếm lá rừng cho tôi ăn. May mắn thay, tôi qua được cơn bạo bệnh. Nhưng rồi, một tin sét đánh như quật ngã tôi thêm lần nữa: Lúc tôi bị bệnh, cha tôi đã qua đời. Nỗi đau đớn và ân hận dày vò tôi như xát muối vào lòng.
Ngày 19-3-2020, tại khu vực núi Jơ Mông (giáp ranh giữa 2 xã Hà Ra và Lơ Pang, huyện Mang Yang), Công an tỉnh phối hợp bắt giữ 3 đối tượng cuối cùng lẩn trốn trong rừng theo tà đạo “Hà Mòn”. Đây là bước ngoặt quan trọng chấm dứt vấn đề trốn ra rừng hoạt động tà đạo.          
Trong 8 năm đó, vợ chồng tôi gặp nhau rất ít. Lần nào gặp, Yoai cũng rầu rĩ nói: “Khi nào chồng về? Vợ ở nhà khổ lắm”. Tôi không biết phải trả lời Yoai ra sao. Tôi rất muốn về với Yoai, với các con nhưng lúc ấy, tôi vẫn tin vào cái gọi là đạo “Hà Mòn”, rằng nếu kiên trì cầu nguyện, lúc chết đi, linh hồn sẽ được lên thiên đường thoát khỏi mọi khổ ải, gia đình tôi ai cũng sẽ được bình an, mạnh khỏe. Tôi sợ sẽ bị trừng phạt nếu ngừng cầu nguyện.
Nhóm của tôi có một người cỡ tuổi tôi tên là Sâm, con ông Jưr. Ở với tôi được 2 năm, đến năm 2014, Sâm tách qua nhóm khác. Vừa đi được 3-4 hôm thì Sâm chết do bị ốm mà không có thuốc chữa. Nhìn ông Jưr đau buồn bên xác con và những gì đã trải qua, tôi bắt đầu hoài nghi về cái gọi là đạo “Hà Mòn”. Nhiều lần, tôi định về trình diện nhưng nỗi sợ và niềm tin mù quáng cứ níu chân tôi lại trong rừng...
Xóa bỏ tà đạo
Tết sắp đến cũng là mùa thu hoạch cà phê. Kưnh chia sẻ, dạo này anh và mọi người trong làng cùng đổi công lao động. Mọi người thường nhắc và học hỏi Đinh Lý (SN 1979, người cùng làng) về cách làm ăn. Lý cũng từng mê muội theo tà đạo “Hà Mòn” và phải trả giá bằng án phạt tù, mới được tại ngoại đầu năm 2019. Ngay sau khi trở về làng, Lý đã bắt tay làm ruộng rẫy. Ngoài việc trồng giống lúa cho năng suất cao, Lý còn trồng thêm cây bời lời để tăng thu nhập.
Cách nhà Kưnh vài con ngõ nhỏ là đến nhà ông Jưr, ông Lúp. Không được như Kưnh hay Lý, điều kiện kinh tế của 2 gia đình này khó khăn hơn nhưng họ cũng đang nỗ lực để ổn định cuộc sống.
Ông Yung-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ra kiêm Bí thư Chi bộ làng Kret Krot-phấn khởi nói: “Thời gian trước, FULRO đã lợi dụng tà đạo “Hà Mòn” xúi giục bà con bỏ lao động sản xuất, tụ tập, nhóm họp trái phép, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Sau khi lực lượng Công an tăng cường các tổ địa bàn đến các làng trọng điểm để phối hợp vận động, đấu tranh xóa bỏ tà đạo, tình hình đã dần ổn định. Dự kiến từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2021, chúng tôi sẽ tổ chức lễ xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” ở làng Kret Krot”. 
THÚY TRINH

Có thể bạn quan tâm