Ngày mới ở Bi Yông, Bi Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cái đói, cái nghèo bao năm đã bao phủ “hốc Pờ Tó”, đặc biệt là 2 ngôi làng nằm sâu trong núi Bi Yông, Bi Ya. Nhưng giờ đây, trên những ngôi làng căn cứ cách mạng năm nào, màu xanh của sự ấm no đã bắt đầu nảy mầm sinh sôi...
 

Một góc làng Bi Yông. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Nhiều ngôi nhà khang trang đã được xây mới ở làng Bi Yông. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Trên đường trở lại Bi Yông, Bi Ya, một vị cán bộ xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) đùa với tôi rằng: “Kể về cái khó, cái nghèo của 2 ngôi làng ấy thì có đến sáng mai cũng chưa hết được đâu”. Chẳng biết là tôi có nghe được đến sáng mai hay không, nhưng ông cũng đã bắt đầu kể khi chiếc xe máy rẽ từ đường Trường Sơn Đông đến ngã ba Kliêk để vào con đường đất cát trắng. Và, trên chặng đường hơn 7 km đường đất ấy, tôi đã có dịp hình dung về Bi Yông, Bi Ya một thời…

Người Bahnar ở Bi Yông, Bi Ya đã sớm giác ngộ cách mạng mà đứng lên cầm vũ khí chống lại giặc Pháp, giặc Mỹ xâm lược. Thanh niên trong làng đủ sức vóc thì đi theo bộ đội Cụ Hồ. Phụ nữ, người già ở lại thì sớm hôm nương rẫy góp phần nuôi bộ đội qua những ngày gian khổ. Với địa thế hiểm trở, sau lưng là núi, trước mặt là dòng suối Đek, cán bộ ta đã lựa chọn Bi Yông, Bi Ya làm căn cứ địa, làm bàn đạp để phát triển phong trào cách mạng. Nơi đây đã nuôi nấng biết bao thế hệ cán bộ để rồi sau đó tỏa đi khắp nơi phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Cái thời hạt muối, củ mì bẻ đôi, hạt gạo xẻ nửa ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người già trong làng.

Người Bi Yông, Bi Ya đem gạo, đem mì nuôi bộ đội. Người Bi Yông, Bi Ya cũng đem những giọt máu đào để đánh đuổi giặc xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc. 2 ngôi làng bây giờ vẻn vẹn hơn 200 nóc nhà, nhưng đã có trên 50 gia đình có công với cách mạng, gia đình thân nhân liệt sĩ và cả Mẹ Việt Nam anh hùng. Sau giải phóng, Bi Yông, Bi Ya lại đối mặt với cái đói, cái nghèo, nhưng trong niềm vui của cả đất nước, đồng bào Bahnar nơi này đã quần tụ sống trong những ngôi làng tập trung, chung sức trồng mì, trồng mía, gầy dựng cuộc sống.

 

Nhiều ngôi nhà khang trang đã được xây mới ở làng Bi Yông. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ảnh: Lê Văn Ngọc

Nhắc đến việc trồng mía lại nhớ, trước khi cây mía về, 2 ngôi làng này gần như bị cô lập, đặc biệt vào mùa mưa lại biến thành ốc đảo. Con đường 7 km tưởng ngắn hóa ra lại xa xôi cách trở vô cùng bởi sự trắc trở, lầy lội. Phải đến khi được rải đất cấp phối, nó mới thực sự mang hình thù một con đường. Rồi cây cầu dẫn qua suối được đầu tư xây dựng. Mới đây nhất là đập tràn qua suối giúp người dân có thể vận chuyển nông sản đi nơi khác. Con chữ cũng đã theo con đường ấy mà về làng. Những điểm trường đã được xây dựng kiên cố, lũ nhỏ trong làng cũng bắt đầu biết đọc, biết viết, biết thích đến trường. Vừa rồi, có một đoàn cán bộ về khảo sát để chuẩn bị mở một ngôi trường 3 cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngay tại làng Bi Yông.

Câu chuyện của vị cán bộ xã bị gián đoạn bởi chiếc xe đã bắt đầu đi trên con đường bê tông. Men theo con đường, ngôi làng Bi Yông hiện ra trước mắt tôi với những ngôi nhà sàn to đẹp, khang trang. Vị cán bộ xã chỉ tay vào một ngôi nhà to đồ sộ ở giữa làng, ông bảo: “Nhà của trưởng thôn Đinh Xoan đấy. Trưởng thôn biết trồng mía theo người Kinh rồi, đã mua máy cày, nuôi bò… năm trước xây được ngôi nhà hơn 500 triệu đồng”.

Người Bi Yông, Bi Ya nhiều năm trước chỉ biết bán đất rẫy cho người Kinh, rồi khi tiêu hết tiền, họ lại tiếp tục… bán đất. Nhưng một vài năm trở lại đây, bà con đã biết cách trồng mía, nuôi bò. Nhờ thế, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và làm giàu trên chính quê hương cách mạng.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm