Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngày Tết với gia đình có công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nay, hòa trong không khí vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi có dịp đến thăm, chúc Tết Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Ksor Suê, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVT) Nguyễn Văn Nhương và Nữ biệt động thành Huế- Hồ Thị Thừa.
Vừa nhìn thấy chúng tôi, Bà mẹ VNAH Ksor Suê (ở làng Dút 1, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã tươi cười, rồi tiến lại gần, bắt tay từng người một.  Mẹ Suê bộc bạch: "Các ngành, các cấp đến thăm hỏi, tặng quà làm mẹ vui lắm. Mẹ đã 98 tuổi rồi, nhưng vẫn ngủ được ăn được, việc gì giúp được con cháu là Mẹ làm". Chị Trương Thị Hải Vân- cán bộ Văn hóa xã hội xã Ia Sao cho biết thêm: "Nay Mẹ nói chậm hơn, nhưng vẫn trò chuyện vui vẻ, phụ giúp con cháu. Thấy thế ai cũng vui mừng!"
Bà mẹ VNAH Ksor Suê và chị Vân-cán bộ Văn hóa xã hội xã Ia Sao, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Cư
Cũng theo chị Vân, Mẹ Ksor Suê có chồng là ông Rơ Châm Mang, có 3 người con là anh Rơ Châm Kam, chị Rơ Châm H'Lum và chị Rơ Châm H'Lêr. Gia đình mẹ có nhiều đóng góp cho cách mạng. Chồng và con trai của Mẹ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ngày 23-7-2015, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng Mẹ là Bà mẹ VNAH. Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh nhận phụng dưỡng Mẹ suốt đời. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Binh đoàn 15 quan tâm xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình Mẹ. Mẹ đang sinh sống hạnh phúc với gia đình con gái ruột là chị Rơ Châm H'Lêr (vợ anh Siu Ốp).
Những ngày giáp Tết, chúng tôi cũng đã đến thăm Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Nhương, ở tổ dân phố 3, phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tay bắt mặt mừng, người anh hùng giữa đời thường giản vị, phấn khởi cho biết năm nay gia đình ông có một cái Tết vui vẻ, ấm cúng. Các cơ quan, ban ngành, chính quyền phường đã đến gia đình thăm, tặng quà, chúc mừng năm mới. Nhìn ông khỏe mạnh, phòng ốc gia đình sửa sang, bài trí ấm cúng, chúng tôi ai cũng phấn khởi.
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nhương (người thứ 2 bên trái) nhận quà từ tay Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Hoàng Cư
Nhắc đến anh hùng Nguyễn Văn Nhương là nhắc đến người anh hùng với thành tích bắn rơi 13 chiếc máy bay Mỹ, phá hủy 2 xe tăng và tiêu diệt nhiều lực lượng của Mỹ-Ngụy, nhất là  trong các năm 1965-1972. Sau chiến thắng oanh liệt tại đường 9, Khe Sanh (Quảng Trị), chiến trường Tây Nguyên, anh hùng Nguyễn Văn Nhương vinh dự được đi báo cáo điển hình tại Đại hội Thi đua toàn miền Nam năm 1968, 1972. Ngày 28-5-2010, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng Nguyễn Văn Nhương-nguyên Chính trị viên trưởng, Đại đội súng máy 12,7ly thuộc Trung đoàn 95C (nay là Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau ngày giải phóng năm 1975, ông được cấp trên điều động về Gia Lai công tác. Đến năm 1993, với quân hàm Trung tá- ông về hưu. Ông lại tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Diên Hồng trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp. Năm nay, đã 73 tuổi đời, gần 52 tuổi Đảng, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn tham gia phong trào, giúp đỡ vợ con, các cháu nội ngoại. "Có được tuổi già như hôm nay là nhờ bản thân tự rèn luyện làm theo tấm gương Bác Hồ, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đồng đội nhân dân. Ơn này tôi không bao giờ quên được"- ông chia sẻ.
Nằm ở vùng ven TP. Pleiku thuộc tổ dân phố 13, phường Hoa Lư là nhà của bà Hồ Thị Thừa- nguyên là biệt động thành Huế .Căn nhà bình dị, nhiều hoa quả đón xuân, bà Hồ Thị Thừa chậm rãi kể: Năm tròn 17 tuổi (năm 1962), bà đã tình nguyện tham gia Đội du kích xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1967, bà được chọn vào "Tiểu đội thép", Đội biệt động thành Huế. Tết năm 1968, tiểu đội của bà được giao nhiệm vụ phục kích tại cầu Vân Dương, ngoại thành Huế. Suốt 24 đêm chiến đấu liên tục, tiểu đội của bà đã phá hủy 5 xe bọc thép, tiêu diệt 120 tên Mỹ-Ngụy. Trước thất bại nặng nề đó, Mỹ - Ngụy ráo riết lùng sục bắt bớ và chẳng may bị chỉ điểm, bà bị bắt tại cầu Vân Dương. Địch tra tấn bà vô cùng dã man tại Trung tâm Thẩm vấn thành phố Huế, nhưng trước sau bà chỉ nói: "Tôi không biết, không nghe, không thấy cộng sản". Sau 3 tháng dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn nhưng không thể khai thác được thông tin, chúng đã phóng thích cho bà, nhưng vẫn bí mật theo dõi. Tổ chức đã tìm cách đưa bà ra Trại An dưỡng Gia Viễn (Ninh Bình). Sau đó, bà được tổ chức đưa ra Hà Nội, báo công với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi cùng ăn ở, học tập với các nữ Anh hùng Tạ Thị Kiều, Kan Lịch... Thời gian sau, bà lại về Trại An dưỡng Gia Viễn (Ninh Bình) công tác. Tại đây, bà xây dựng gia đình với ông Phan Văn Khiêm (sinh năm 1942), thương bình 2/4, người cùng quê... 
Bà Hồ Thị Thừa (đứng giữa) báo công với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Hoàng Cư
Ông Phan Văn Khiêm vui vẻ cho biết: "Sau ngày miền Nam giải phóng, trong niềm vui vô bờ, vợ chồng chúng tôi trở về thành phố Huế công tác, gặp lại những người thân. Đến khi nghỉ hưu, chúng tôi lên Pleiku sinh sống. Dù ở trong Nam, ngoài Bắc, Tây Nguyên, chúng tôi đều nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng chí, đồng đội...Đó là hạnh phúc lớn nhất đối với vợ chồng chúng tôi ".
Những người có công với cách mạng tự hào đóng góp một phần công sức của bản thân, gia đình vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong những ngày vui Xuân đón Tết này, họ càng vui hơn khi  công sức, xương máu đổ ra đã đem lại hòa bình cho đất nước, tự do cho nhân dân, được sống trong sự yêu thương, chăm sóc, động viên của Đảng, Nhà nước, đồng đội, nhân dân. 
Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm