Ngày về của một cốt cán FULRO

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 15 năm bỏ gia đình ra nước ngoài sinh sống, tháng 11-2017, ông Siu Hôn (74 tuổi) từ Mỹ về thăm người thân tại xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) với tấm thân tàn tạ. Quá nửa cuộc đời, Siu Hôn mới nhận ra sự vô nghĩa của cái gọi là “Nhà nước Đê-ga tự trị” hay “Tin lành Đê-ga” để trở về tạ tội với bà con dân làng trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Năm 2001, bị Rah Lan Ngol (thường gọi Ama Chăm, đối tượng FULRO hiện sống lưu vong tại Mỹ) lôi kéo, Siu Hôn tham gia hoạt động FULRO và nhanh chóng trở thành một trong những đối tượng cốt cán. Sau vụ gây rối năm 2001, Siu Hôn đưa 2 con trai trốn sang Campuchia để đi Mỹ.

 

Bà con, họ hàng đến thăm ông Siu Hôn trong ngày trở về. Ảnh: T.N
Bà con, họ hàng đến thăm ông Siu Hôn trong ngày trở về. Ảnh: T.N

Thời gian ở Mỹ, Siu Hôn tiếp tục tham gia tổ chức FULRO (do Ksor Kơk cầm đầu) tuyên truyền, lôi kéo các đối tượng FULRO trong nước duy trì nhóm họp “Tin lành Đê-ga” trong các làng và trốn ra rừng hoạt động. Tuy nhiên, âm mưu, hoạt động của các đối tượng này đã bị lực lượng Công an, chính quyền phát hiện, ngăn chặn. Mặc dù nghe theo FURLO, nhưng trước những thất bại của hoạt động FULRO ở trong nước, Siu Hôn không thể không nhận ra mình đang đứng trong một vòng luẩn quẩn. Hơn nữa, hoạt động của Siu Hôn còn gián tiếp đẩy anh em, bà con vào vòng tù tội.

Năm 2009, Siu Hôn động viên  2 người con trai từ bỏ tổ chức của Ksor Kơk, tập trung làm việc, gom góp tiền để trở về Việt Nam. Nhưng sau đó, 2 lần liên tiếp bị tai nạn giao thông khiến ông phải nằm viện một thời gian dài, sức khỏe suy kiệt, gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Trong hoàn cảnh đó, chưa một lần ông nhận được lời thăm hỏi từ những kẻ trước đây ông hết mực tin tưởng. Hơn lúc nào hết, ông mới thấm thía mình đã lao đao, vất vả cả cuộc đời vì những điều quá vô nghĩa. Đáp ứng nguyện vọng cuối cùng của ông, 2 người con trai vay mượn, gom góp tiền bạc để cha được trở về thăm quê lần cuối.

Đón ông Siu Hôn trong chuyến bay muộn, bà Kpuih H’Pranh-vợ ông và các con bật khóc khi thấy chồng, cha mình phải ngồi trên chiếc xe lăn. Sau 15 năm xa quê, hành trang ngày trở về của ông chỉ là vài bộ quần áo gói gọn trong chiếc túi xách. Siu Hôn yếu đến mức không còn nói được. Những giọt nước mắt lăn trên gò má hốc hác, xanh xao. 5 người con ông bỏ lại quê nhà ngày nào giờ đã lớn, 4 người đã có gia đình. Những đứa cháu nép sau cha mẹ nhìn ông lạ lẫm. Siu Hôn buồn bã nhìn vợ. Chồng đi biệt xứ, một mình bà Kpuih H’Pranh phải tần tảo nuôi con khôn lớn. Giờ đây, gánh nặng lại chất lên đôi vai gầy của bà khi phải chăm sóc người chồng bệnh tật.

Sau khi về, gia đình ông Siu Hôn mời bà con, dân làng đến uống rượu. Những người từng tham gia FULRO, “Tin lành Đê-ga” với ông khi trước cũng đến. Nghe họ kể chuyện, ông biết được rằng nhiều người sau khi được giáo dục thì đã từ bỏ FULRO, “Tin lành Đê-ga”, được tạo điều kiện vay vốn làm ăn. Có người thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm như Rmah Wit, Siu Grã, Siu Anhoai (xã Ia Ko, huyện Chư Sê), Siu Tanh (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh)…

Những ngày này, bà H’Pranh luôn bên cạnh chăm sóc chồng. Bà kể cho ông nghe về sự đổi thay của quê hương, giúp ông hình dung ra những con đường được trải nhựa, những ngôi nhà mới ở các buôn làng. Bà cũng đành chấp nhận vì biết rằng, mặc dù muốn cùng cha trở về đoàn tụ với mẹ và các em, nhưng cuộc sống quá khó khăn, đồng lương eo hẹp, bấp bênh nên 2 người con trai chỉ có thể lo cho cha trở về.

Mong muốn được nhìn thấy gia đình, buôn làng lần cuối đã cho ông Siu Hôn sức mạnh để chống chọi với bệnh tật, vượt qua hành trình dài về đến Việt Nam. Giá như thời gian có thể quay lại, ông sẽ không đi vào con đường tối để mãi đến lúc gần nhắm mắt xuôi tay mới được hít thở bầu không khí quê hương.

Văn Chinh-Thoại Nhân

Có thể bạn quan tâm