Nghề báo trong tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cứ gần đến Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi lại thấy lòng rân rân những cảm xúc khó tả. Lục lại tất cả những bài báo đã được đăng, những mẩu chuyện nhỏ trên báo Hoa Học Trò tôi viết thuở nào mà cứ ngỡ như mới hôm qua.

Ấy vậy mà cũng đã 7 năm tôi bước vào nghề báo. Nhớ ngày mới bước vào nghề với biết bao bỡ ngỡ, ngây thơ của cô sinh viên ngành Ngữ văn vừa ra trường và sự nông nổi của tuổi trẻ, tôi đã gặp không ít khó khăn. Khi đó, một đồng nghiệp lớn tuổi nói với tôi rằng: “Nếu em muốn gắn bó với nghề thì phải học cách mạnh mẽ với một cái đầu lạnh và trái tim sắt”. Lúc đó, tôi chẳng suy nghĩ nhiều về câu nói của anh bạn đồng nghiệp. Nhiều khi gặp khó khăn trong công việc, tôi lại thấy chán nản và muốn từ bỏ vì nghĩ mình đã chọn sai đường, mình không phù hợp với nghề báo. Nhưng rồi tôi lại tự an ủi rằng đó là “duyên nghiệp”.

 

Phóng viên Báo Gia Lai tác nghiệp tại huyện Tây sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Đ.T
Phóng viên Báo Gia Lai tác nghiệp tại huyện Tây sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Đ.T

Thế rồi, hòa cùng sự hối hả của vòng quay cuộc sống, tôi đã gắn bó với nghề báo được 7 năm, biết bao vui buồn, trải nghiệm. Tôi tự thấy mình trưởng thành và chững chạc hơn, có đôi chút chai sạn so với ngày nào. Thi thoảng đi tác nghiệp, bên cạnh những ánh mắt tươi cười, niềm nở phối hợp, tôi cũng gặp những ánh mắt nhìn chăm chăm, những câu nói khó nghe. Nhớ có lần đến một cơ quan để cập nhật số liệu về tình hình bão lũ, một cán bộ nói với tôi rằng: “Lấy số liệu làm gì, lấy về để viết lấy tiền hả?” Rồi cuối năm, đi nhận nhuận bút ở một đơn vị cộng tác, một anh viên chức cũng tươi rói mà nói: “Phóng viên sướng nhỉ, một nội dung mà vừa viết thành bài vừa viết thành tin tha hồ lấy tiền”. Hay ở một hội nghị, khi tôi xin báo cáo trước để định hướng viết tin và lấy ghi âm, một cán bộ văn phòng lại nói: “Không cho tài liệu được, cấp đủ cho đại biểu thôi”. Thế là phải chạy đi gặp sếp của cô cán bộ văn phòng đó.

Những lúc như thế, tôi lại nhớ đến câu nói của anh bạn đồng nghiệp năm nào về “cái đầu lạnh, trái tim sắt” rồi tự cất lên câu hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Vì có những người họ không hiểu được chức năng, nhiệm vụ của một phóng viên nên phải thông cảm thôi. Thậm chí có những người thấy phóng viên còn trốn, sợ lấy thông tin, viết lên báo rắc rối. Nhưng họ đâu hiểu nghề báo cũng có luật của nghề và mỗi phóng viên cũng có cái tâm, có trách nhiệm với công việc mà họ gắn bó cả đời. Bên cạnh những khó khăn, rắc rối cũng có không ít niềm vui. Khi đi lấy tin ở cơ sở, tôi gặp các chú, các bác làm cán bộ thôn, làng, có những người nói tiếng Kinh chưa rành nhưng rất nhiệt tình phối hợp, khi phỏng vấn xong còn cảm ơn ríu rít. Đó chính là niềm vui, niềm động viên, an ủi khích lệ tôi ngày ngày phấn đấu.

21-6 lại về, với tôi đó là “Tết”, Tết của niềm vui, để tôi nhìn lại chặng đường mình đã đi. Giữa thời đại thông tin bùng nổ, tôi-một phóng viên “nhà đài”-nghĩ rằng, phải luôn giữ bút sắc, mỗi bài viết ra không chỉ có “cái tâm” mà cũng cần có “cái tầm”.

Phương Liên

Có thể bạn quan tâm