Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi đến Đồn Biên phòng 729 gần cuối giờ chiều, nắng nóng hầm hập, từ xa thấy cổng đồn phấp phới lá cờ đỏ sao vàng, mấy anh chị em Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đi cùng bỗng reo lên: Về nhà rồi! Chúng tôi ngước nhìn lá cờ Tổ quốc reo vù vù trong gió lòng dâng lên một niềm khó tả. Trung tá Lê Xuân Kế-Phó Đồn trưởng Quân sự đón chúng tôi nồng nhiệt.

Trong khuôn viên đồn, từng nhóm cán bộ chiến sĩ đang chơi bóng chuyền, tưới nước cho cây cảnh hoa cỏ và dọn sân bãi. Thấy đoàn đến các anh em ríu rít hỏi chào. Tranh thủ trước khi ăn tối, tôi tìm gặp Thượng úy Nguyễn Quang Công-Phó đồn trưởng nghiệp vụ. Công người Phú Thọ mới về nhận công tác tại đồn hơn một tháng. Biết chúng tôi quan tâm nhiều đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đồn quản lý, anh chậm rãi chia sẻ công việc của những người lính biên phòng Đồn 729.

Đồn đứng chân trên địa bàn xã Ia Mơr, huyện Chư Prông gồm 4 làng: H’Náp, Khôi, Krông, K’Lả. Hơn 70% dân cư ở đây là đồng bào dân tộc Jrai, thời gian gần đây có một vài doanh nghiệp lên khai hoang trồng cao su và có thêm công trình thủy lợi Ia Mơr nên dân số gia tăng và nhiều thành phần hơn. Công việc chính của các anh là chỉ đạo đội trinh sát phòng-chống các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và đội phòng-chống tội phạm về trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng gặp gỡ cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 729. Ảnh: P.D
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng gặp gỡ cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 729. Ảnh: P.D

Có thể nói địa bàn đồn phụ trách là địa bàn ổn định vì Ia Mơr là xã Anh hùng, nhân dân tin Đảng, Nhà nước, yêu quý tôn trọng bộ đội biên phòng nên tinh thần phối hợp bảo vệ giữ gìn an ninh biên cương rất tốt. Chỉ cần có người lạ vào làng là đồng bào lập tức đi báo với đội công tác địa bàn ngay, trong năm cũng có vài vụ trộm cắp vặt, gây gổ tranh chấp nhỏ giữa người dân trong xã xảy ra nhưng đều được các anh bộ đội Đồn 729 xuống tận nơi giải quyết ổn thỏa khiến dân hiểu và nghe theo.

Tình cảm nhân dân dành cho lính biên phòng thắm thiết ân tình. Đồn có 1 đội công tác địa bàn ở làng K’Lả, từ đội về đồn 16 cây số đường đất, mùa khô gập ghềnh mù mịt bụi, mùa mưa trơn lầy ngập ngụa nhiều đoạn xe máy không đi được phải để xe lại lội bộ là chuyện bình thường. Đội là địa chỉ thân quen của nhân dân các làng trên địa bàn, hễ làng nào có lễ hội, gia đình bà con đồng bào dân tộc thiểu số nào có chuyện vui, buồn hiếu hỷ đều cử người đến đội, lên đồn mời bằng được các anh bộ đội biên phòng đến chung vui hoặc chia sẻ.

Ngày lễ Tết bà con đều tổ chức lên thăm giao lưu văn nghệ, thể thao với chính sách đồn. Sĩ quan của đồn có 3 người đã về làm con rể các làng đó là Thiếu úy Ksor Liễu, Kpă Giá và Trung úy Lê Ô Win. Trong đó hai anh Ksor Liễu và Lê Ô Win làm công tác vận động quần chúng nên đây là điều vô cùng thuận lợi cho việc các anh tuyên truyền vận động bà con nhất là các hộ đồng bào dân tộc Jrai trên địa bàn không tham gia vận chuyển gỗ lậu, thành lập các tổ dân tự quản để giữ gìn an ninh trật tự buôn làng. Các chiến sĩ trong đội vũ trang còn giúp lực lượng dân quân luyện tập quân sự, triển khai các phương án bảo vệ biên giới, phối hợp truy quét tội phạm.

Trung úy Lê Ô Win người dân tộc Jrai là một trong những cán bộ rất xông xáo trong nhiệm vụ vận động bà con. Anh thường cùng đồng đội đến các gia đình phân tích, giảng giải cho người dân hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nói rõ những tác hại của việc chặt phá rừng, vận chuyển buôn bán gỗ trái phép... Từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng 729 tịch thu gần 100 m3 gỗ các loại.

Giỏi công tác nghiệp vụ, các anh còn giỏi giang trong việc tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn bằng cách trồng 18 ha các loại rau, củ, thuốc nam và hoa quả như đu đủ, cam, mít, xoài. Trung tá Lê Xuân Kế kể rằng, vùng này hồi giờ bề mặt đá sỏi cằn cỗi cộng khí hậu nắng hạn mùa khô khắc nghiệt nên việc tăng gia sản xuất rất vất vả, để trồng được rau củ và cây ăn quả cán bộ chiến sĩ phải xúc đất thịt trộn ủ phân bò cho hoai rồi san phẳng tạo độ dày 20 phân mới trồng rau lên và dẫn nước từ suối về tưới mỗi chiều mỗi sớm mới có kết quả.

Nhìn khu vườn trên nền đá sỏi cằn cỗi đang vươn xanh, đơm bông kết trái mới thấy thấm thía câu thơ của Hoàng Trung Thông “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” mà thêm nể thêm quý những người lính biên cương. Anh Kế còn khoe 3,8 ha cao su đã được 2 tuổi, 4 ha mì cho củ khá sai.  Năm nay đồn dự định mở rộng diện tích cao su thêm 2 ha, đã vỡ xong đất và đợi mưa là xuống giống. Riêng bò, heo lên đến gần 100 con, đàn gà gần 80 con, chiều xuống ăn tối ở nhà sàn heo mẹ heo con, gà, chó chạy, dụi cả vào chân người.

Khói củi ngút lên từ mái tôn thấp, những luống hồng tỷ muội nở hoa chùm đỏ bậm rạp nghiêng vì gió. Khung cảnh thanh bình yên ả như thế cũng khiến người lính bớt nỗi nhớ nhà mà thực sự coi đồn là nhà, biên giới là quê hương.

Đêm xuống trời mát dần, không khí dễ thở hơn so với cái nắng hầm hập lúc chiều, đội văn hóa tuyên truyền Bộ đội biên phòng tỉnh và các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh chuẩn bị chương trình thơ-nhạc phục vụ cán bộ chiến sĩ của đồn. Đây là lần đầu tiên những người lính nghe chính các tác giả đọc tặng mình những bài thơ về lính biên phòng và bồi hồi xúc động, cánh lính trẻ xin chép vào sổ tay những bài thơ yêu thích và cũng đọc tặng lại các văn nghệ sĩ những câu thơ mộc mạc các bạn tự sáng tác.

Như thượng úy Nguyễn Quang Công tâm sự: lính biên phòng hạnh phúc và thành công nhất là làm dân tin mình, muốn thế thì chỉ có cách làm tốt công tác vận động quần chúng, phải gần dân, nghe dân nói, nói cho dân hiểu để dân tin mà nghe và làm theo mình để cùng giữ vững an ninh biên cương.

Hoàng Thanh Hương

Có thể bạn quan tâm