Phóng sự - Ký sự

Nghệ danh Tài Văn Nắng-Người thổi hồn cho đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi những người già không còn đủ sức để bám với nghề thì những trai trẻ ở làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận lại hăng hái với nghề, kiên nhẫn bám trụ. Anh Tài Văn Nhịp, 40 tuổi - người được phong nghệ danh Tài Văn Nắng là một trong số ít ỏi trong làng còn trụ với nghề nắn tượng…

Ở rể bén nghiệp gia truyền!

Tôi đi vào làng, hỏi “Nắng nắn tượng”, một số nghệ nhân nữ đang nắn gốm dở tay, quay ra chỉ đường và nói: “Nắng ở rể phải không. Nhà Nắng ở đằng kia”.

 

Tượng “Cầu mưa” trong sân nhà anh Nắng.
Tượng “Cầu mưa” trong sân nhà anh Nắng.

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, nên mới có chuyện đàn ông đi ở rể làng vợ. Nghề gốm Bàu Trúc lại thường mang yếu tố gia truyền, nên có một chàng rể từ nơi khác đến đam mê và học được nghề, được người làng công nhận tay nghề nắn tượng là điều hơi lạ.

Phải đến sân nhà anh Nắng, nhìn khu vườn và sân được trang trí những bức tượng và phù điêu lớn nhỏ rất “chất” như: Bà mẹ Chăm, Vũ nữ Apsara, Mẹ xứ sở - Po Naga, Thần bảo hộ Visnu, Cầu mưa, Luân hồi, Phúc thần Ganesha, Đức Phật, Chúa Jesus, Chim thần Garuda, rắn thần Naga, thần Shiva,… bằng gốm Chăm rất sống động có hồn, mới “kiểm nghiệm” được đôi bàn tay khéo léo của “ông Nắng”.

 

Bên một góc vườn “art” của mình.
Bên một góc vườn “art” của mình.

Tiếp tôi, Nắng vui vẻ chia sẻ, anh vốn là người Chăm đến từ thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Năm 2004, chàng thanh niên theo vợ về ở rể làng Bàu Trúc. Nắng cũng không hình dung rằng, 13 năm sau, anh không chỉ làm được gốm mà còn làm được tượng, đòi hỏi nhiều kiến thức văn hóa và những kỹ thuật khó nhất của nghề. “Mới vào làng công việc chính là làm ruộng. Ai thuê mướn là làm. Ngoài giờ làm, mình nhìn thấy các nghệ sĩ trong làng làm tượng thì thích lắm dù nhiều người nói: “Cứ mò mò nắn tượng nghệ thuật thì làm sao mà nuôi vợ con?! Khó lắm, không học được đâu! Biết bao nhiêu người học rồi bỏ vì không đủ kiên nhẫn và năng khiếu rồi” – anh Nắng nhớ lại.

Dù lời “bàn ra” nhiều, nhưng bằng niềm đam mê và quyết tâm tìm tòi, anh Nắng tin rằng có một ngày sẽ làm được những bức tượng đạt chất lượng nghệ thuật cao và bạo gan tin là mình sẽ sống được với nghề. Vậy là sau giờ làm ruộng đảm bảo đời sống gia đình, Nắng về sân nhà đập, sàng đất, pha cát,… lên khuôn tập tành những động tác nhập môn. Ban đầu, những thớ đất sét đắp bồi từ phù sa sông Quao trên đôi bàn tay Nắng dường như bất tuân, cho ra những hình thù không như ý.

 

Đức Phật, một trong những sáng tác của anh Nắng.
Đức Phật, một trong những sáng tác của anh Nắng.

Nhiều lần ý nghĩ bất lực hiện ra trong đầu, nhưng Nắng không để khó khăn hạ gục được nhiệt huyết của mình. Thấy chỗ nào có tài liệu văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật,… là Nắng mang về nghiền ngẫm. Nắng mang nắm đất đi khắp làng gặp những người giỏi, như nghệ nhân Đàng Năng Thọ để học hỏi, nhờ chỉ bảo. Anh Nắng chia sẻ: “Tôi học được ở nghệ nhân nổi tiếng Đàng Năng Thọ - người nổi tiếng về làm tượng nghệ thuật - nhiều điều hay, không chỉ ở kỹ thuật làm gốm mà còn triết lý nghề nghiệp. Tôi được dạy rằng, hãy cứ đam mê học hỏi, với tâm nghề trong sáng thì nghề sẽ trả cho mình gấp trăm lần”.

Từ “mê quá làm đại”, đến khoảng năm 2007, anh Nắng được lò gốm Kiều Lan phát hiện năng khiếu, gọi sang thử tay nghề và nhận làm. Đó là một cơ hội lớn của anh Nắng. Nhưng khi tập trung học nghề với một quá trình có thể rất dài và bài toán kinh tế gia đình là núi gian nan mà anh Nắng phải vượt qua. Có lúc, anh Nắng phải đấu tranh tư tưởng giữa việc chỉ ngồi nắn những bình đất như mọi người trong làng cho nhanh và dễ sống hơn là việc nắn tượng đầy gian truân.

 

Khuôn mặt Bà mẹ Chăm từ bàn tay anh Nắng.
Khuôn mặt Bà mẹ Chăm từ bàn tay anh Nắng.

Hơn chục năm trôi qua, sự kiên trì của “ông Nắng” được đền đáp khi hầu hết người làng đều công nhận “ông Nắng khéo tay nhất”. Đơn hàng bắt đầu đều hơn. Đó là phần thưởng cho người kiên trì theo đuổi đam mê của mình. Bàn tay Nắng đã cho ra đời nhiều biểu tượng không chỉ văn hóa, tín ngưỡng Champa mà còn biểu tượng nhiều trường phái triết học và văn hóa khác. Đặc biệt mẫu “Cầu mưa” là hình tượng “chất” do “ông Nắng” tạo tác, vừa mang tính tâm linh, đặc trưng văn hóa Chăm, đặc trưng thổ nhưỡng bản địa của vùng đất khô cằn Ninh Thuận.

Giữ lửa và trăn trở cho làng nghề…

 

Nàng thơ” Sarasvati (phù điêu), nữ thần gìn giữ nghệ thuật và thi ca trong Hindu giáo.
Nàng thơ” Sarasvati (phù điêu), nữ thần gìn giữ nghệ thuật và thi ca trong Hindu giáo.

Khi làng nghề gốm Bàu Trúc được bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trao chứng chỉ công nhận di sản phi vật thể của Việt Nam trong năm 2017 cũng là lúc làng nghề này bị thử thách dữ dội. Đầu ra không ổn định và bản sắc của gốm Chăm Bàu Trúc đang có nhiều dấu hiệu mai một. Bà Sử Kiều Lan, một chủ lò gốm từng trải qua thời đoạn thịnh hành của gốm Bàu Trúc hơn chục năm trước giờ thở dài vì sự sáng tạo mới, đặc trưng không còn được đề cao. Bên cạnh đó là sự thiếu đoàn kết, cạnh tranh hạ giá, sao chép,… đã tạo nên bức tranh không mấy tươi sáng của làng nghề. Nhiều nghệ nhân không sống nổi với nghề, phải tranh thủ đi lên Tây Nguyên hái cà phê hay đi làm các công việc khác…
 

Chim thần Garuda đạp rắn Naga trong Hindu giáo, một phù điêu từ bàn tay anh Nắng với thông điệp của sự sống vượt lên cái chết, và niềm tin cái thiện thắng cái ác.
Chim thần Garuda đạp rắn Naga trong Hindu giáo, một phù điêu từ bàn tay anh Nắng với thông điệp của sự sống vượt lên cái chết, và niềm tin cái thiện thắng cái ác.

Trong hoàn cảnh đó, “ông Nắng” là một người tâm huyết, nhìn thấy những vấn đề mà làng nghề đang gặp phải về chất gốm đi xuống do nguồn đất ngày càng kém, việc lạm dụng nước màu xịt sau nung và các lò thường giảm thời gian nung để tiết kiệm rơm củi, làm gốm bở hơn trước. Màu gốm, do đó, không còn giữ được màu nâu tự nhiên như trước đây. Việc sao chép mẫu, đóng khuôn thay vì làm tay ở một số lò cũng khiến cho sản phẩm giảm giá trị.

Dù được coi là người khéo tay nắn tượng trong số rất ít người có nghề nắn tượng còn lại ở Bàu Trúc, nhưng anh Nắng luôn tâm niệm phải luôn học hỏi và sáng tạo thêm. Có vậy mới giúp làng nghề vượt qua khó khăn, thay vì cứ sao chép và hàng chợ tràn lan.

Từ một làng nghề xưa, sản xuất dụng cụ bếp phục vụ nhu cầu tại chỗ, được ông tổ nghề Po Klong Chanh khởi xướng, đến khoảng 20 năm trước, gốm Bàu Trúc bắt đầu chuyển mình với các dòng sản phẩm mỹ nghệ trang trí, lưu niệm, tâm linh… với nhiều kiểu dáng độc đáo. Gốm Bàu Trúc khác với hầu hết các dòng gốm khác ở hoa văn đậm nét Champa, dòng sản phẩm tín ngưỡng Hindu giáo. Về kỹ thuật chế tác, Bàu Trúc được coi là duy nhất ở Việt Nam và là 1 trong 2 làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách làm gốm không dùng bàn xoay. Nghệ nhân tự đi quanh bàn chế tác để đắp gốm.

Xuân Huy/tienphong

Có thể bạn quan tâm