Dọc quốc lộ 30 đường lên biên giới Campuchia có nhiều quán mỳ Quảng. Ảnh: Minh Hải |
Chỉ dấu xứ Quảng
Từ TP.Cao Lãnh, thủ phủ tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi ngược về hướng cửa khẩu Dinh Bà, biên giới Campuchia gần 100km, theo quốc lộ 30, đường qua 3 huyện Thanh Bình, Tam Nông và Tân Hồng thuộc tỉnh Đồng Tháp. Bao nhiêu cảnh lạ mùa nước nổi vây lấy tầm nhìn. Bỗng dưng hai bên đường xuất hiện nhiều biển hiệu “mỳ Quảng, bánh tráng, bún cá…” và đặc biệt giọng Quảng đặc sệt.
Thấy lạ, tôi hỏi anh tài xế: "Người dân sống ở đây bán mỳ Quảng lâu chưa?". Anh nói: "Ở đây có 2 làng (2 xã) người miền Trung sinh sống rất lâu. Họ tới lập làng, sinh sống khi nào tôi không biết, nhưng họ tập trung sinh sống ngay vùng biên giới này đã lâu đời, ở đây chủ yếu là mỳ Quảng”.
Câu trả lời chung chung của anh lái xe khiến tôi tò mò, tìm cách kết nối với cán bộ Phòng Văn hóa huyện Tân Hồng để tìm hiểu ngọn nguồn.
Xã Bình Phú là thủ phủ cung cấp bánh tráng cho cả khu vực miền Tây. Ảnh: Minh Hải |
Qua điện thoại, chị Đào - cán bộ phòng Văn hóa huyện Tân Hồng, cho biết: “Tôi cũng biết là làng người Trung, cụ thể bà con có nguồn gốc tỉnh nào thì không rõ. Anh cần xác minh thì tôi giới thiệu anh đến xã”.
Danh từ người Trung (miền Trung) là cách gọi tắt thân thương của người miền Tây xưng hô chung với người miền Trung.
Qua giới thiệu, tôi đến gặp chị Nguyễn Thị Thành Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hộ Cơ. Lúc đầu chị nói giọng miền Tây, nghe tôi nói giọng Quảng, chị Phú vui mừng bật nói giọng quê Quảng Ngãi. “Tôi là thế hệ thứ 5 sống trên đất này, ông tổ tôi vào thời xa xưa. Quê tôi ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, hầu hết bà con sống ở xã Tân Hộ Cơ này là người Quảng Ngãi”.
“Còn làng người Trung nữa chị có biết không?". Chị Phát chỉ đường: “Anh về hướng ngược lại qua khỏi Đồn Biên phòng, đến đoạn thấy bán mỳ Quảng, bánh tráng là xã Bình Phú, xã toàn người Quảng Đà sinh sống. Tôi cũng không biết rõ cái tên Quảng Đà, nhưng thời ông nội và cha tôi đến cả làng chúng tôi thường gọi là làng người Quảng Đà”.
Làng người Quảng Đà chuyên mỳ Quảng tại xã Bình Phú, huyện Tân Hồng. Ảnh: Minh Hải |
Thân quen làng Quảng Đà
Quay về xã Bình Phú, mới đến đầu ấp Gò Da đã nghe tiếng nhạc nhà bà Dương Thị Tình vang vọng: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm…”. Bên khoảnh đất trống, đám thanh niên đánh bóng chuyền cãi nhau chí chóe giọng Quảng Nam.
Thấy người lạ, bà Tình gần 80 tuổi trong nhà lấp ló ngóng chuyện. Nghe giọng Quảng của tôi, bà lật đật chạy ra bắt chuyện như người thân. Bà giới thiệu là người ở thôn 1 xã Bình Dương, huyện Thăng Bình. Những năm chiến tranh ác liệt 1970, bà được cha mẹ gửi vào vùng này sống với ông chú họ.
Tác giả với bà Dương Thị Tình. Ảnh: Minh Hải |
“Từ khi đi, đến 1972 về thăm quê, mà duy nhất lần đó, lúc nghe tin buồn cha mẹ, anh chị em chết vì bom đạn. Đến chừng quê không còn người thân, nhiều lúc muốn về nhưng điều kiện kinh tế không cho phép”. Bà Tình rưng rưng nỗi niềm nhớ quê xứ. Tôi lặng lẽ nhìn ra cánh đồng, thấy chim bói cá cô quạnh đứng trên cọc nhọn của biển cảnh báo lũ trước cánh đồng mênh mông nước.
Anh Nguyễn Văn Tám - hàng xóm ngắt lời bà Tình, nói. “Mời em qua nhà anh uống nước”. Nhà anh Tám thuộc diện xây dựng bề thế nhất ấp. Tôi nhìn lên bàn thờ thấy 4 di ảnh có ghi rõ lần lượt tên ông nội, bà nội, cha, mẹ và quê quán “xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam”.
Anh Tình nói giọng rặt Quảng: “Cái chữ ni anh về ngoài quê mình đặt họ làm vào đây thờ, để mai mốt con cháu lớn lên biết nguồn, biết cội, biết mô là quê cha đất tổ”. Tôi hỏi: “Anh vào đây lâu chưa?”. Anh tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trong ni. Ông nội và cha tôi vào đây năm 1958, ấp ni là thuộc thế hệ di cư thứ 2 và thứ 3. Các ấp dưới họ vào từ những năm 1945 đến 1950”.
Mỗi ngày chị Phượng ấp Gò Da tráng 1 tạ gạo bánh tráng. Ảnh: Minh Hải |
Bà con cho biết, huyện Tân Hồng trước kia thuộc huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), sau này huyện Hồng Ngự chia tách 3 trung tâm hành chính là thị xã Hồng Ngự nay là TP.Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng.
Theo tìm hiểu, huyện Tân Hồng có 2 xã là Tân Hộ Cơ và xã Bình Phú, nơi đây chủ yếu là người Quảng Nam và Quảng Ngãi di dân từ thời Pháp thuộc. Sau này chính quyền Ngô Đình Diệm di dân đưa vào thêm trấn thủ biên cương.
Bà con cho biết xưa kia, chỉ có 2 xã này là người Quảng Nam và Quảng Ngãi, đặc trưng làm nhà bằng đất sét. Năm 1999, mùa nước lũ dâng cao lịch sử khiến vách đất sét rã sạch, nhà vách đất sét bị xóa sổ từ đó, sau này bà con làm lại nhà theo kiểu người miền Tây.
Giữ hồn quê nơi đất khách
Trời chập choạng, đám trẻ vừa tan học về vác cần ngồi câu cá, nói chuyện với nhau bằng giọng Quảng. Tôi tò mò ra hỏi han, đang nói chuyện với nhau bằng giọng Quảng, đám trẻ chuyển ngay nói chuyện bằng giọng miền Tây. Sự thay đổi giọng nói đột ngột khiến tôi bất ngờ.
Anh Nguyễn Thắng thấy vậy cười rồi giải thích: “Tất cả người làng nói chuyện với nhau bằng giọng Quảng mình, còn khi ra ngoài giao tiếp thì nói giọng miền Tây để dễ hiểu”. Vậy là ở đây có ít nhất 3 đến 4 thế hệ nói cả giọng Quảng và miền Tây.
Anh Nguyễn Thắng người gốc xã Tam Phú, Tam Kỳ. Ảnh: Minh Hải |
Anh Thắng là người gốc xã Tam Phú, Tam Kỳ. “Ông nội tôi di dân thời Pháp thuộc, tôi sinh ra lớn lên ở đây. Vợ tôi gốc Đại Lộc, xưa kia chưa có các chuyến bay từ Cần Thơ về Đà Nẵng, mỗi lần bà con ở đây tổ chức về quê thuê 4 đến 5 xe 45 chỗ kéo cả làng về. Nhưng nay giao thông thuận tiện, đi về cũng dễ hơn xưa” - anh Thắng nhớ lại.
Ở xã Bình Phú đa số phụ nữ sống bằng nghề tráng mỳ Quảng và tráng bánh tráng gạo mè. Bánh tráng Bình Phú có tiếng, cung cấp cho cả thị trường miền Tây. Cái độc lạ nữa của bánh tráng, nguyên liệu gạo, mè rất Quảng, chỉ có khuôn bánh lớn diện hơn ở quê. Nhưng các lò ở đây dùng nồi đồng, lò củi, vỏ trấu và vẫn tráng thủ công. Chỉ có công đoạn xay bột bằng máy.
Thấy tôi ngắm nghía chiếc nồi đồng tráng mỳ, chị Nguyễn Thị Hoa người gốc Đại Lộc nói: “Cái nồi ni là của hồi môn được mẹ tặng, ba chị mất sớm, mẹ nuôi hai chị em bằng nghề tráng bánh tráng. Lúc chị lấy chồng nhà nghèo lắm, gia tài chỉ có hai cái nồi đồng, mẹ tặng con gái một cái. Đây là cái nồi được ông nội mang vào từ Quảng Nam thời di cư để lại. Cái còn lại sau ni mẹ tặng cho em gái chị lúc lấy chồng”.
“Ở ấp Gò Da, nói về nghề tráng mỳ và bánh tráng phải kể đến hai chị em chị Hoa, chị Phượng. Mỗi ngày tráng một tạ gạo” - anh Thành cho biết.
Đang nói chuyện, ngoài ngõ rổn rảng nói cười: “Cái anh Quảng Nôm mô rồi?". Nhìn ra cửa, thấy đám thanh niên đánh bóng chuyền lúc chiều mang gà, rượu đến. “Thấy anh từ Quảng vào ghé thăm làng, anh em bọn tui vui lắm. Gấp quá, không có chi đãi, làm vài con gà với rượu gạo quê mời anh chút tình” - Hai Sanh cười nói thật lòng.
Chị Hoa người tráng mỳ nổi tiếng của ấp Gà Da. Ảnh: Minh Hải |
Tôi nhìn ra đường điện vừa bật sáng, nhưng không thể chối từ, nhận lời ngồi ngay hiên nhà chị Hoa làm vài chung rượu lấy tình. Ngồi giữa đất sen hồng mà tôi cứ ngỡ xóm nhỏ nào đó nơi xứ Quảng quê mình.