Nghề làm rượu cần của phụ nữ dân tộc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rượu cần là thức uống phổ biến của người Tây Nguyên sau nước giọt dùng giải khát trong sinh hoạt hàng ngày. Làm rượu cần là nghề riêng của chị em phụ nữ các dân tộc Tây Nguyên, giống như nghề tạc tượng là nghề chỉ dành cho những người đàn ông của làng. Nguyên liệu là lương thực có sẵn trong cuộc sống mang đặc trưng nương rẫy như: gạo, củ mì, kê, hạt bắp, bo bo... Theo chị em người Jrai ở huyện Chư Pah thì ngon nhất là ủ rượu cần bằng gạo, kê và bắp.

Quy trình làm rượu cần không khó nhưng để ủ được ghè rượu ngon lại là sự khéo tay và chú tâm của người làm. Mỗi ché rượu của từng gia đình có mỗi vị khác nhau; khác biệt rõ ràng với nhạt, chua, cay, nồng, ngọt, thanh, đậm, lợ... Người viết bài này thích vị chua thanh và vị ngọt nồng của những ghè rượu làm bằng kê và gạo. Bắt đầu làm rượu, người phụ nữ dân tộc Tây Nguyên chọn lương thực nấu chín sau đó đổ ra lá cho nguội đều, tiếp đến rắc men rượu vào, để  tạo độ hở và xốp họ trộn thêm trấu vào cơm và men trộn tơi. Men để làm rượu cần truyền thống thường làm bằng lá cây, vỏ cây, ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Đồng bào thường lấy vỏ cây hiam đập dập, ngâm vào nước cho phai chất nhựa, tiếp đến giã gạo thành bột mịn, lấy thêm bột ớt, bột gừng đổ vào ngâm cùng nước vỏ cây hiam. Khi nước vỏ cây hiam và các thứ bột đã tạo thành hỗn hợp đặc quánh thì họ vắt thành từng viên, từng mẩu nhỏ, đem phơi khô vài nắng hoặc treo lên gác bếp hơn tuần là đem ra làm rượu cần được. Sau phần trộn men cho cơm (bắp, mì, kê, bo bo...) chị em lót lá cây vào chiếc gùi lớn, đổ cơm trộn men vào gùi đậy lá lên cất vào góc nhà khoảng một ngày, sau đó lại đổ ra lá lần nữa rồi mới bốc từng nắm cho vào ghè; khi ghè đã đầy cơm men, lấy lá lạt cột kín, bịt chặt. Rượu cần ủ càng kỹ càng ngon; thông thường ủ khoảng hơn tuần thì có thể uống được. Cách uống khá đơn giản song không kém phần hấp dẫn với việc bẻ lá cây rải một lớp lên, dùng mấy thanh tre mỏng cài lại cho chặt rồi đổ nước giọt vào, cắm cần và hút.

Đồng bào dân tộc Tây Nguyên rất hiếu khách, nếu được họ quý mến bạn sẽ được mời uống liên tục, hết cang này đến cang khác, hết ché này sang ché khác cho đến khi bạn say mềm, ngây ngất. Để đo mức rượu từ miệng ché trở xuống, họ dùng một đoạn thanh tre, nứa có nhánh cắm xuống mặt nước, đoạn để đo rượu có độ dài chừng một phân. Khi hút rượu, mực nước thấp xuống, đến đoạn đầu nhánh cây là đủ phần mình. Rượu cần là thức uống dùng trong cúng tế thần linh trong các lễ hội truyền thống của người dân tộc Tây Nguyên, trong sinh hoạt thường ngày. Đây là thức uống không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây như bếp lửa và cồng chiêng vậy. Và dĩ nhiên nghề này là nghề chỉ dành riêng cho chị em phụ nữ, thể hiện sự khéo tay, đảm đang, sự giàu có của những người làm chủ gia đình. Đây là một nghề truyền thống mang giá trị văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên cần được giữ gìn, phát huy.

Hoàng Thanh Hương

Có thể bạn quan tâm