Kinh tế

Nông nghiệp

Nghề nuôi cá lồng: Nhiều tiềm năng phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) và bà con nông dân đã tận dụng diện tích mặt nước sông, suối, hồ đập để đầu tư nuôi cá lồng. Đây là hướng đi tiềm năng nhằm tăng thu nhập và góp phần đa dạng sản phẩm trong nông nghiệp.

Tín hiệu khả quan

Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Đak Đoa của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) mang lại kết quả khả quan. Ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc HTX-cho biết: Hiện nay, HTX có 18 lồng cá. Trong đó, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đầu tư 8 lồng (khoảng hơn 400 triệu đồng), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư 4 lồng (trên 200 triệu đồng), còn lại 6 lồng do thành viên HTX đầu tư. Các thành viên HTX được hỗ trợ về cá giống, 30% chi phí thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật làm lồng, nuôi cá. “Hợp tác xã chủ yếu nuôi cá lăng, diêu hồng và rô phi. Mới đây, chúng tôi đã xuất 1 lồng cá rô phi đầu tiên với sản lượng gần 1 tấn, doanh thu hơn 30 triệu đồng. Trung bình 1 lồng thả khoảng 50 kg cá giống, sau 4-5 tháng, chúng tôi thu hoạch 1-1,5 tấn cá thương phẩm với giá bán dao động trong khoảng 35-40 ngàn đồng/kg”-ông Dương phấn khởi nói.

Ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) cho cá ăn. Ảnh: Hà Phương


Thời gian qua, chính quyền xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) đã tuyên truyền, vận động người dân tận dụng diện tích mặt nước hồ thủy điện Sê San 3, Sê San 3A để phát triển nghề nuôi cá lồng. Khi Dự án nuôi cá lồng bè trên sông Sê San do Trung tâm Giống thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai thì 30 hộ dân 2 làng Doch 1 và Dip đã đăng ký tham gia. Ông Phạm Thanh Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng-thông tin: Dự án bước đầu giúp cải thiện đáng kể đời sống của một số hộ dân. Song cái được hơn hết đó là nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi. Họ biết cách tính toán hiệu quả kinh tế, phân công công việc để cùng chịu trách nhiệm chung.

Anh A Hanh (làng Doch 1) cho hay: “Chúng tôi phân công 1 người phụ trách quản lý, chăm sóc, bảo vệ lồng bè trong thời gian 2 tuần. Đến thời điểm thu cá hoặc có vấn đề gì phát sinh, chúng tôi mới điều động thêm người. Với cách làm đó, bà con có thời gian lo việc ruộng rẫy”.

Tương tự, HTX nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Ia Grăng và HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Ia Tô cũng triển khai nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Ia Grai 1. Các thành viên lựa chọn giống cá diêu hồng bởi đặc tính dễ nuôi, nhanh lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng. Có thời điểm, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Ia Tô thu về hơn 1 tỷ đồng từ 30 lồng bè.

Mô hình nuôi cá lồng ở làng Doch 1 (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Anh Huy


Gắn với phát triển du lịch

Trên địa bàn tỉnh có 2 hệ thống sông lớn (sông Ba, sông Sê San) và thượng lưu sông Sêrêpôk cùng với 139 hồ chứa thủy lợi, 48 hồ chứa thủy điện rất thuận lợi để phát triển nuôi thủy sản lồng bè. Toàn tỉnh có hơn 700 lồng bè nuôi thủy sản, chủ yếu là các loại thủy đặc sản bản địa. Hàng năm, tổng sản lượng thủy sản cung cấp ra thị trường đạt trên 500 tấn, chủ yếu là cá tầm, lăng, rô phi đơn tính, diêu hồng, thác lác, bống tượng...

Ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-khẳng định: “Tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển mô hình nuôi cá lồng bè. Diện tích mặt nước lớn, độ sâu lý tưởng phù hợp để phát triển các loại cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép và đặc sản (lăng, thác lác). Nuôi cá lồng bè không chỉ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập mà còn góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản”.

Những lồng nuôi cá của Tổ hợp tác làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: Hà Phương
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Đề án phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó, chú trọng đến việc nuôi trồng thủy sản lồng bè để tạo ra các thủy đặc sản, góp phần tăng giá trị ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản. Để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tương xứng với tiềm năng, tỉnh cần có cơ chế thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và người dân để gắn việc nuôi trồng với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo thị trường ổn định.

Bà Phạm Thị Thu Hằng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-thông tin: Toàn huyện có 126 lồng nuôi cá với 3 HTX nuôi trồng thủy sản gồm: HTX nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Ia Grăng, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Ia Tô, HTX nuôi trồng thủy sản Ia O. Ngoài ra, trên địa bàn còn có một số tổ hợp tác và các hộ dân nuôi nhỏ lẻ. “Tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề nuôi cá lồng ở địa phương còn rất lớn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư nuôi cao, việc nuôi trên hồ đập nước lớn cũng có những rủi ro nhất định. Do vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân cân nhắc, tính toán kỹ khi đầu tư. Đồng thời, chú trọng cập nhật, tìm hiểu tình hình thị trường, giá cả để có đầu ra ổn định”-bà Hằng cho biết.

Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong Trịnh Khắc Dương thông tin: “Thời gian tới, HTX liên hệ với các đại lý để tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, gắn phát triển nuôi cá lồng với xây dựng cà phê cảnh quan. Với khung cảnh thiên nhiên thanh bình, thơ mộng, kết hợp hồ nước-vườn cây, trồng trọt-chăn nuôi, chắc chắn nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách. Trước đó, Dự án cà phê cảnh quan xung quanh lòng hồ thủy điện Đak Đoa đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt đầu tư nhằm hướng đến mô hình sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch”.

 

 ANH HUY - HÀ PHƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm