(GLO)- Vừa giống người giúp việc nhà, vừa giống nhân viên nhà sạch, lại vừa giống quản gia… nên người trong cuộc gọi đó là nghề “thợ đụng”. Tiếng là “thợ đụng” nhưng những người làm nghề này cũng “chạy show” không hết việc.
Mờ sáng, chị Nguyễn Thị Thanh Sương (28 tuổi, ở 27/17 Tuệ Tĩnh, TP. Pleiku) đã ra khỏi nhà để bắt đầu một ngày làm việc mới. Chị phụ bán cho một quán phở từ 5 giờ đến 10 giờ sáng. Xong việc ở quán phở, chị Sương lại vội vàng chạy tới một quán cà phê để rửa ly tách. Đúng 12 giờ trưa, chị mới trở về nhà ăn vội bữa trưa rồi tiếp tục giúp việc nhà cho 2 gia đình khác vào buổi chiều. Công việc buổi chiều của chị gần giống với việc của nhân viên nhà sạch, chỉ khác là chị nhận lương tháng chứ không nhận theo giờ. Buổi tối, nếu có thêm hàng dép, chị lại tranh thủ nhận may để kiếm thêm thu nhập.
Nghề “thợ đụng” mang lại thu nhập khá cao. Ảnh: K.N.B |
Mặc dù có con nhỏ mới 3 tuổi, lại bận tối mắt với việc mưu sinh nhưng chị Sương vẫn thu xếp ổn thỏa việc nhà vào những khoảng thời gian “nghỉ giữa ca”. Chị chia sẻ: “Công việc của tôi gói gọn trong hai từ bận rộn. Nhưng là phụ nữ tôi vẫn phải chu toàn việc nhà. Vào những khoảng thời gian nghỉ giữa hai chỗ làm, tôi tranh thủ cơm nước sẵn sàng ở nhà, đưa hoặc đón con đi học. Công việc không áp lực nhưng cực kỳ vất vả, bù lại thu nhập cũng khá vì ăn lương 4-5 chỗ”.
Làm công việc tương tự như chị Sương nhưng chị Trần Thị Thới (27 tuổi, ở hẻm Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) chỉ nhận giúp việc nhà cho 3 gia đình. Nói là giúp việc nhà nhưng công việc không giống nhau mà tùy vào yêu cầu của gia chủ. Có gia đình chỉ yêu cầu chị đến lau nhà, sắp xếp gọn gàng đồ đạc. Gia đình khác lại yêu cầu chị hàng ngày đến nấu ăn cho 2 ông bà già đã ngoài 70 tuổi hai bữa trưa và chiều. Gia đình còn lại yêu cầu nhiều việc hơn, như vừa lau nhà, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, vừa kiêm luôn việc đưa đón con họ đi học. Tùy vào mức độ vất vả của công việc, chủ nhà trả mức lương phù hợp. Chị Thới cho biết: “Ưu điểm của làm công việc này là tôi có thể chủ động được thời gian, sắp xếp làm việc gì trước, việc gì sau miễn là hoàn thành tốt công việc để nhận đồng lương xứng đáng. Hơn nữa, giúp việc cho nhiều gia đình có cái lợi là biết thêm một số bí quyết để làm bà nội trợ giỏi, nhờ vậy mà giờ rất “nhạy” với việc nhà, nhìn qua là biết cần làm gì trước, việc gì sau”.
Có thâm niên hơn 10 năm làm công việc mà các chị gọi vui là “thợ đụng” này, chị Lê Thị Tuyết (45 tuổi, ở 14 Lê Thị Hồng Gấm, TP. Pleiku) cho biết: “Sự trung thực, sạch sẽ, cẩn thận là những tố chất hàng đầu để gắn bó lâu dài với công việc. Hơn nữa, cần coi trọng trách nhiệm nghề nghiệp bởi đa số các gia đình cần thuê người làm việc theo hình thức này thường là công chức nhà nước làm việc giờ hành chính, hầu như đến nhà làm việc rất hiếm gặp chủ. Nhưng không vì thế mà mình làm qua loa, đại khái được”-chị Tuyết nói. Hiện tại, chị đang giúp việc cho 5-6 gia đình vào những khoảng thời gian khác nhau trong ngày. Công việc thông thường nhất là lau nhà, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Có gia đình chị đã giúp việc từ hàng chục năm nay, gia chủ tin tưởng giao cả chìa khóa nhà. Chị kể: “Có thời gian tôi bận việc nhà nên không tiếp tục công việc nhưng có gia đình nằng nặc nhờ tôi đến làm bằng được vì chủ nhà không hài lòng với người giúp việc cố định nào. Đó cũng là hạnh phúc của mình vì được chủ nhà tin cậy. Ngược lại, điều này cũng khiến mình áp lực vì làm việc phải cẩn thận, sạch sẽ hơn nữa”.
Những người làm nghề như chị Tuyết mặc dù thu nhập khá nhưng phải đánh đổi bằng thời gian chăm lo cho gia đình và hầu như không có ngày nghỉ. “Có lần thằng bé nhà tôi nói rằng, ngày nào nó cũng chưa kịp nhìn thấy mặt mẹ thì mẹ đã đi làm, đến lúc đi ngủ vẫn chưa thấy mẹ về, sao tôi không quan tâm gì đến nó, không đưa đón nó đi học như chúng bạn. Nghe con nói vậy tôi bớt tham việc, nghỉ làm vài nhà để dành thời gian cho con, nhưng như vậy đồng nghĩa với thu nhập cũng giảm sút nghiêm trọng”.
Hoàng Ngọc