Lần đó, khi ghé vào một lớp học ở điểm trường làng Bi Da (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai), thầy Tùng hỏi vui có bạn nào giấu bánh trong cặp mang về không? Một số em chỉ tay về phía cuối lớp. Không khí vui vẻ bỗng ngậm ngùi. Cô học trò ngại ngùng ấp úng: “Bố mẹ em đi làm rẫy tối mới về, em xin thêm cô 1 ổ để dành trưa ăn cho đỡ đói ạ”.
Dậy từ 4h30 lấy bánh mì
Nhắc đến xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, Gia Lai) là nhắc đến một vùng đất nắng hạn, heo hút cách thành phố Pleiku hơn 130 cây số. Người dân vùng đất phía Đông Nam này đã tự bao giờ dùng “hốc Pờ Tó” để nói về địa điểm khiến người ta phải e ngại, chẳng ai muốn lui tới nếu không có việc gì quan trọng.
Các thầy chăm lo từng bữa ăn cho học trò. |
Ấy vậy mà có những thầy cô giáo đã gắn bó, cống hiến cho Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó) mấy chục năm. Để tới trường, người đi gần nhất cũng phải dậy sớm, mò mẫm trên quãng đường hơn 30 cây số đường đất lồi lõm đầy nguy hiểm. Nhưng điều mà các thầy cô lo lắng, tâm tư nhất là học sinh vùng này đa phần là người dân tộc Ba Na nhiều thiệt thòi, thiếu thốn nên học cái chữ còn bị thờ ơ. Với thầy cô giáo nơi đây, chuyện lên rẫy tìm học sinh, vận động đến trường là việc hiển nhiên, chẳng ca thán nửa lời. Bởi với họ, buồn nhất là khi học trò thấy giáo viên đến nhà lại bỏ chạy, vì sợ tới trường.
Các thầy xây dựng mô hình tạo sinh kế cho gia đình học trò khó khăn. |
Nhà thầy Vũ Văn Tùng (giáo viên môn Lịch sử) cách trường hơn 40 cây số. Thầy Tùng chia sẻ, hơn 10 năm công tác nhiều lần chứng kiến học sinh trốn lớp về nhà trong giờ ra chơi, hỏi ra mới biết buổi sáng các em nhịn đói nên tranh thủ về nhà kiếm đồ ăn. Nhất là thời điểm thu hoạch nông sản, bố mẹ các em lên rẫy từ sáng sớm, nhiều em phải nghỉ học đi theo cha mẹ vì ở nhà không ai lo cơm nước. Để chia sẻ những thiệt thòi, vất vả của các em, thầy Tùng đã lên ý tưởng lập “Tủ bánh mì 0 đồng”.
“Với các em nhỏ Ba Na vùng này, những chiếc bánh mì quý lắm bởi cuộc sống của cha mẹ các em còn gặp rất nhiều vất vả. Tôi luôn đồng cảm với họ, bởi người dân nơi đây thiệt thòi về môi trường sống, suy nghĩ, đặc biệt là thời tiết nắng hạn gây mất mùa thường xuyên. Giờ đây cứ định kỳ 3 buổi/tuần, tôi dậy sớm đi lấy bánh mì, bánh bao, có hôm thì xôi chở đến trường để kịp phát cho học sinh ăn trước giờ học. Dù chỉ góp một phần nhỏ thôi nhưng tôi thấy vô cùng hạnh phúc”, thầy Tùng bộc bạch.
Tủ bánh mì của thầy Tùng đã hoạt động được gần 1 năm. Thầy nhớ lại, thời gian đầu chỉ kêu gọi một tiệm bánh mì hỗ trợ 60 ổ/tuần, phát ở điểm trường làng Bi Dông. Thấy việc ý nghĩa, người thân, bạn bè đã tin tưởng ủng hộ thêm kinh phí. Nhờ vậy, gần 200 học sinh học buổi sáng của trường đều được ăn bánh mì, có hôm thì xôi vào các ngày thứ Hai - Tư - Sáu. Riêng thứ Năm, thầy phát thêm cho các em điểm trường làng Bi Da. Cứ có nhà hảo tâm nào ủng hộ, để công khai số tiền thầy Tùng đều đăng lên trang facebook cá nhân của mình.
“Tôi dậy từ 4h30 để lấy bánh chở vào điểm trường. Phát phải xong trước 6h40 kịp các em giờ vào học. Để đúng giờ, tại điểm trường làng Bi Da, tôi thường nhờ giáo viên chủ nhiệm phát cho các em”, thầy Tùng nói.
Câu chuyện khiến thầy Tùng không thể nào quên là khi ghé vào một lớp học ở điểm trường làng Bi Da. Khi mới sáng sớm đẩy cửa vào lớp, thầy Tùng hỏi các em thấy bánh mì có ngon không, cả lớp đồng thanh “Có ạ”. Rồi thầy hỏi vui, thế có bạn nào giấu bánh trong cặp mang về không thì một số em chỉ tay về phía cuối lớp. Không khí vui vẻ bỗng ngậm ngùi, thầy học trò ngại ngùng ấp úng: “Bố mẹ em đi làm rẫy tối mới về, em xin thêm cô 1 ổ để dành trưa ăn cho đỡ đói ạ”.
Trao sinh kế
Thầy Vũ Văn Tùng đến điểm trường làng Bi Gia phát bánh mì. |
Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp mọc lên giữa những ruộng mía bạt ngàn, gió mùa mang theo bụi, nắng táp vào mặt. Nhưng thật tuyệt vời bởi ai đi ngang qua trường cũng ấm lòng khi nơi đó có những người thầy hết lòng vì học sinh. Số lượng xe đạp, quần áo, đồ ăn… mà thầy cô giáo của trường kêu gọi cho các em nhiều không kê đến hết. Định kỳ hàng tháng, thông qua nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, Liên Đội trường Tiểu học và THCS Đinh Núp trao 13 suất quà cho các em hoàn cảnh khó khăn.
Thầy Nguy Duy Ry (1982, Tổng phụ trách Đội) đã gắn bó với trường 6 năm. Nhà thầy Ry cách trường 25 cây số, vợ làm cán bộ huyện Ia Pa nên việc chăm con cái còn bộn bề. Dẫu vậy, thầy Ry và vợ luôn tâm niệm bản thân may mắn hơn người khác nên đồng lòng, tìm cách giúp đỡ các em nhỏ. Từ suy nghĩ ấy, thầy Ry đã làm mô hình kinh tế vật nuôi sinh sản cho trẻ mồ côi, nguồn lực từ bạn bè và các nhà hảo tâm. “Ban đầu tôi tâm sự với bạn bè về hoàn cảnh mồ côi của các em. Tôi cũng rất bất ngờ khi được mọi người động viên, chung tay giúp đỡ cho các em. Người đầu tiên là anh Trần Ngọc Sơn ở thành phố Pleiku đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, nguồn vốn để làm”, thầy Ry bộc bạch.
Từ đó, mỗi khi có học sinh cần giúp đỡ, có nguồn vốn thầy Ry sẽ tìm bò, dê rồi chụp ảnh gửi vào nhóm để mọi người cùng thống nhất. Mô hình hiện đã giúp đỡ được 7 em học sinh.
Là người thấu hiểu những khó khăn ở Ia Pa, năm 2018, nhà báo Hoàng Thiên Nga (nguyên Trưởng Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên khi đó) đã kết nối, đưa chương trình “Cơm có thịt” triển khai tại Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul) nhờ sự đồng hành của Quỹ “Trò nghèo vùng cao”. Sau đó 1 năm, chương trình “Cơm có thịt” đến với các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó) và duy trì cho đến nay.
Thầy Lê Công Tấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp cho biết, trường có 358 học sinh, tất cả đều là dân tộc Ba Na. “Tủ bánh mì 0 đồng” không chỉ giúp các em có bữa sáng ấm bụng mà còn góp phần duy trì sĩ số học sinh, nhất là mùa thu hoạch nông sản. Không chỉ phát bánh mì, thầy Tùng còn giúp đỡ 3 học sinh điều trị bệnh nan y. Mọi chi phí đều do thầy Tùng nhờ bạn bè, người thân ủng hộ, giúp đỡ.
|
Theo Tiền Lê (TPO)