Nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19: Giáo dục tư thục gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chủ trương cho học sinh tạm nghỉ học đến hết tháng 2-2020 để phòng-chống dịch bệnh Covid-19 là hợp lý. Thế nhưng, với nhiều cơ sở giáo dục tư thục, nhất là các trường mầm non, việc học sinh tạm nghỉ lại là khoảng thời gian “khủng hoảng” vì không có nguồn thu để duy trì các khoản chi.
Gặp khó về tài chính
Nhà trẻ, nhóm trẻ, trường mầm non tư thục… do tổ chức hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Do kinh phí hoạt động phụ thuộc vào khoản thu học phí nên việc học sinh nghỉ học kéo dài đã khiến nhiều cơ sở giáo dục tư thục gặp khó. Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều trường không còn lựa chọn nào khác là phải tinh giản nhân sự hoặc “xin phép” không chi lương trong tháng 2 này.
 Việc học sinh tạm nghỉ học khiến các trường mầm non tư thục gặp khó về tài chính. Ảnh: N.T
Việc học sinh tạm nghỉ học khiến các trường mầm non tư thục gặp khó về tài chính. Ảnh: N.T
Trường Mầm non Hoàng Mai có 2 cơ sở tại số 44 Cách Mạng Tháng Tám và 14 Phan Đình Giót (TP. Pleiku). Tính đến hết học kỳ I, toàn trường có 9 lớp với hơn 310 trẻ. Đến thời điểm hiện tại, học sinh đã nghỉ học 3 tuần và sẽ kéo dài đến hết tháng 2 khiến nhà trường không khỏi lo lắng. Bà Lê Thị Ngân-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Ngoài nguồn thu từ học phí, chúng tôi không có nguồn nào khác để đưa vào quỹ dự trữ tài chính. Mặc dù vẫn động viên các cô tiếp tục đến trường để trực, tổng vệ sinh phòng dịch theo chỉ đạo của ngành nhưng hiện chúng tôi không có kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội và chi trả lương cho 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vừa qua, trong báo cáo nhanh về tình hình phòng-chống dịch bệnh Covid-19, nhà trường cũng có đề xuất lên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Pleiku xem xét có hướng hỗ trợ để giúp các trường tư thục giải quyết khó khăn trong thời gian học sinh nghỉ học”.
Tương tự, bà Bùi Thị Duy Vỹ-Hiệu trưởng Trường Mầm non Kitty (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) cũng chia sẻ: “Trường có 8 cô giáo/4 lớp sẽ không được trả lương, nhà trường chỉ hỗ trợ đóng bảo hiểm trong thời gian các bé nghỉ học. Giáo viên của trường đều phải cùng chia sẻ khó khăn và tự mình khắc phục cho đến khi các cháu đi học trở lại”.
Không có lương song vẫn phải luân phiên đến trường để trực và làm công tác vệ sinh trường lớp khiến giáo viên các trường mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn. “Nguồn thu nhập chính của tôi từ việc đi dạy là hơn 4 triệu đồng/tháng. Tháng 2 này, học sinh nghỉ học, tôi sẽ không có được khoản tiền nói trên. Vì thế, cuộc sống cũng bị ảnh hưởng. Cộng với thời gian thông báo nghỉ ngắn và vẫn phải thực hiện công tác phòng dịch ở trường nên tôi chẳng thể đi tìm việc làm thời vụ nào khác mà xoay trở chi phí sinh hoạt. Giờ chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi thứ trở lại bình thường”-chị Phạm Thị Thảo-giáo viên Trường mầm non Hoàng Mai tâm sự.
Giải pháp nào?
Trước tình hình khó khăn chung, ngành GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để đồng hành, tháo gỡ cho nhà trường và giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục tư thục.
 Trường Mầm non Hoàng Mai hiện không có nguồn kinh phí để chi lương và đóng BHXH cho cán bộ, giáo viên. Ảnh: Mộc Trà
Trường Mầm non Hoàng Mai hiện không có nguồn kinh phí để chi lương và đóng BHXH cho cán bộ, giáo viên. Ảnh: Mộc Trà
Theo thống kê từ Phòng GD-ĐT TP. Pleiku, trên địa bàn hiện có 14 trường tư thục mầm non và khoảng 200 nhóm, lớp nhà trẻ; tổng số giáo viên dạy hợp đồng tại các trường tư thục là trên 700 người. Giáo viên hợp đồng tại các trường công lập cũng như tư thục thường chỉ được nhận lương trong 9 tháng của năm học theo thỏa thuận trong hợp đồng, riêng thời gian nghỉ học sẽ không được nhận lương. Ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT thành phố-cho hay: “Chúng tôi đang vận động chủ các cơ sở giáo dục tư thục trích một phần lợi nhuận để chi trả lương, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên ổn định cuộc sống. Phòng cũng đã thông tin những khó khăn của giáo viên hợp đồng lên UBND TP. Pleiku để lãnh đạo xem xét, hỗ trợ cho họ”.
Động viên, khuyến khích giáo viên trong trường chia sẻ khó khăn với nhau; tổ chức Công đoàn huy động một số quỹ để hỗ trợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng… cũng là cách làm hay mà ngành GD-ĐT huyện Chư Pah đã thực hiện. Bà Hồ Thị Thảo-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pah-thông tin: “Chúng tôi khuyến khích các thầy-cô trong trường trích một khoản từ tiền làm ngoài giờ, tăng ca… để chia sẻ, động viên các giáo viên hợp đồng trong thời gian này, từ đó giúp họ thêm yêu nghề, gắn bó với trường, lớp”.
Thực hiện chủ trương đó, các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn huyện Chư Pah đã tổ chức phát động trong đội ngũ giáo viên toàn trường. “Trường chúng tôi có 18 giáo viên, trong đó có 10 giáo viên hợp đồng. Hiện tất cả cán bộ, giáo viên biên chế của trường đều thể hiện sự đồng thuận cao trong việc san sẻ một phần thu nhập của mình để trợ giúp đồng nghiệp. Đây là nghĩa cử đáng quý, góp phần chung tay cùng với nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn”-cô Trần Thị Mơ-Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Ia Ly-cho hay.
NHÃ UYÊN - NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm