Nghị lực của nữ công nhân cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cũng như nhiều nữ công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trồng và chế biến cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai, gần 1.500 nữ công nhân của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah luôn yêu nghề, nỗ lực vượt qua khó khăn để hướng tới mục tiêu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Nỗ lực không ngừng

Vào mùa thu hoạch mủ cao su, khi nhiều người còn chìm trong giấc ngủ thì những nữ công nhân đã phải ra lô từ 1 đến 2 giờ sáng. Chị Pỉ-công nhân tổ 2 (Nông trường Cao su Hà Tây) cho biết: “Cạo mủ cao su là công việc nặng nhọc và hiểm nguy luôn rình rập, nhất là đối với lao động nữ. Nhưng vì miếng cơm manh áo, được làm công nhân là vui lắm rồi”.

 

Hai nữ công nhân xuất sắc Pỉ (trái) và Prin, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah. Ảnh: Đ.Y
Hai nữ công nhân xuất sắc Pỉ (trái) và Prin, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah. Ảnh: Đ.Y

Chị Pỉ tốt nghiệp trung cấp văn thư nhưng không xin được việc làm. Năm 2012, chị xin vào làm công nhân khai thác mủ cao su. Nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm nên chị được Ban Giám đốc Nông trường rất tin tưởng.

Từ năm 2012 đến nay, chị Pỉ luôn đạt danh hiệu lao động giỏi. Đầu năm 2018, chị là nữ đại biểu duy nhất của tổ 2 dự Hội nghị đại biểu người lao động Công ty. Nhiều năm liền, chị tích cực tham gia phong trào “Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi”. Hàng năm, chị luôn vượt sản lượng khoán 150-200% kế hoạch. “Phải nắm chắc kỹ thuật thì mới cạo được nhiều mủ, nếu không dễ phạm vào cây khiến cây cho ít mủ mà nhanh xuống sức nữa”-chị Pỉ chia sẻ kinh nghiệm.

Chị Rơ Châm Prin (tổ 10, Nông trường Cao su Ia Nhin) đã có 12 năm gắn bó với nghề cạo mủ cao su. Chị Prin chia sẻ: “Ngày mới vào làm công nhân, mình rất sợ phải dậy từ 12 giờ đêm để đi làm, nhưng lâu dần thành quen. Mình thấy nghề cạo mủ cao su dù gian truân, khó nhọc nhưng không còn quá hiểm nguy như trước. Bây giờ đi cạo mủ có bảo vệ canh chừng bên cạnh nên yên tâm hơn nhiều”.

Trước đây, khi giá mủ cao su chưa xuống thấp, công nhân thu nhập bình quân mỗi tháng từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Bây giờ, thu nhập giảm đi một nửa do giá mủ thấp. Tuy nhiên, so với một số nghề lao động chân tay khác thì công nhân cạo mủ cao su vẫn sống tốt. “Hơn nữa, các chế độ, quyền lợi của người lao động được Công ty thực hiện đầy đủ. Công việc lại gần nhà, tranh thủ làm ngoài lô xong thì về nhà cơm nước, chăm sóc con cái và làm thêm kinh tế phụ gia đình”-chị Prin nói.

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Ngoài nhiệm vụ ở đơn vị, nữ công nhân còn lo toan công việc  gia đình. Đi làm từ tờ mờ sáng, các chị lại tranh thủ tạt về nhà cho con ăn uống, đưa đi học, rồi lại nhanh chóng trở lại lô để tiếp tục công việc. Chị Pỉ tâm sự: “Cây cao su đã giúp gia đình mình thay đổi cuộc sống. Chỉ có người phụ nghề, chứ nghề chẳng bao giờ phụ người”.

Ngoài nhận khoán 3 ha cao su của Nông trường, chị Pỉ còn tranh thủ cùng chồng làm 1,2 sào lúa, 1 ha cà phê. Nhờ vậy, gia đình chị hiện có thu nhập khá nhất làng Kon Băh. Liên tục nhiều năm qua, gia đình chị được công nhận là “Gia đình văn hóa” tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Chị còn được Công ty tặng danh hiệu “Công nhân cao su ưu tú năm 2017”.

 

Ông Siu Hoal-Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah: “Nhiều nữ công nhân luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng kinh tế gia đình, nuôi con khỏe dạy con ngoan. Trong dịp 8-3, đơn vị tổ chức tọa đàm, nêu gương những nữ công nhân xuất sắc năm 2017; tổ chức cho chị em đi tham quan trong, ngoài tỉnh. Qua đó khích lệ để các chị em khác học tập, làm theo”.

Trong gia đình, chị Prin cũng là một phụ nữ rất đảm đang. Mỗi ngày dậy từ 12 giờ đêm để đi cạo mủ, sau đó chờ đến 10 giờ sáng đi trút mủ, chị tranh thủ thời gian còn lại để lo cho con cái và chăm sóc vườn cà phê, hồ tiêu. Hiện nay, gia đình chị có 1 ha cà phê, 100 trụ hồ tiêu, mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng. Nhờ nguồn thu từ kinh tế gia đình cộng với thu nhập từ lương, chị xây được ngôi nhà khang trang và mua sắm nhiều vật dụng phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Chị còn là công nhân tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của tổ. Khi biết chị em gặp chuyện không vui, gia đình bất hòa, chị thường tìm hiểu và khuyên giải họ hàn gắn, xây dựng, phát triển kinh tế gia đình. Với những chị em nào chưa nắm vững kỹ thuật cạo mủ, chị đều đến tận lô để hướng dẫn, giúp đỡ.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm