Thời sự - Bình luận

Nghị quyết 18: Khai thông, tạo sức bật từ nguồn lực đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
 

Nghị quyết 18 đưa ra kịp thời, được người dân đón nhận với kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập trong chính sách, quản lý tồn tại nhiều năm không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân mà trực tiếp chặn đà phát triển của đất nước.

10 năm trước, Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” cũng đã được ban hành.

Tuy nhiên, khi tổng kết lại, Nghị quyết 19 chưa giải quyết được triệt để những vấn đề nảy sinh trước đó. Điển hình, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020.

Số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và niềm tin của xã hội đối với Đảng, Nhà nước.

Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 được xây dựng trên cơ sở tổng kết gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2012 đặt ra nhiều vấn đề mới, chặt chẽ và quyết liệt hơn.

Trong đó đặt ra mục tiêu năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2025 phải hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

Một số vấn đề vướng mắc khác mà Nghị quyết 19 chưa đưa ra giải pháp hiệu quả thì Nghị quyết 18 đã bám rất sát vào thực tế để định hướng như: Bỏ khung giá đất, đánh thuế người có nhiều nhà, đất… Đặc biệt việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nghị quyết 18 đưa ra yêu cầu cụ thể “quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Với những nội dung trên, Nghị quyết 18 đã đi thẳng vào những vấn đề nóng hiện nay. Song để Nghị quyết đi vào cuộc sống, có tác động thực tế thì cần phải khẩn trương cụ thể bằng Luật, bằng chính sách và triển khai nhanh chóng ở cấp địa phương.

Để nguồn lực đất đai bị lãng phí, để tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật, lách luật trong lĩnh vực đất đai tiếp diễn là đặt những “hòn đá tảng” trong quá trình phát triển.

Không thể chần chừ, phải làm nhanh, làm gấp. Nghị quyết 18 tạo đường băng, nguồn lực đất đai phải là đôi cánh để đất nước bay lên.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nghi-quyet-18-khai-thong-tao-suc-bat-tu-nguon-luc-dat-dai-1060900.ldo
 

Theo HOÀNG LÂM (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm