Nghĩa trang chiều tháng 7

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều tháng 7 tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai, giữa màu trắng của hoa cúc, quyện trong khói hương nghi ngút có những giọt nước mắt đã rơi. Đó là nước mắt của những người đến thăm mộ người thân hay đến tri ân các liệt sĩ.
Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh là nơi yên nghỉ của hơn 3.700 liệt sĩ có tên và chưa xác định được danh tính. Những năm qua, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục để nghĩa trang ngày càng trang nghiêm, sạch đẹp hơn. Gắn bó với nơi này đã hơn 11 năm, người cựu chiến binh và là quản trang Phạm Khắc Hiến tâm sự: “Tôi từng là một người lính nên việc chăm sóc phần mộ cho các đồng đội, đồng chí của mình vừa là trách nhiệm nhưng cũng là nghĩa vụ thiêng liêng. Tôi phải luôn có mặt ở đây để đón tiếp, hướng dẫn các thân nhân vào thắp hương và tìm mộ liệt sĩ một cách chu đáo. Nhiều gia đình muốn đưa hài cốt về quê, tôi cũng giúp họ cất bốc, gói ghém cẩn thận để các anh về với đất mẹ, về với vòng tay của người thân sau nhiều năm chờ đợi”.
 Chị Lê Phú Hà cùng con gái thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: V.H
Chị Lê Phú Hà cùng con gái thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: V.H
Đưa tay gạt chút bụi còn bám trên bia mộ, ông Nguyễn Vinh Long (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) không giấu được niềm xúc động: “Bác tôi là Nguyễn Vinh Tý, hy sinh từ năm 1971 nhưng mãi đến năm 2013 chúng tôi mới tìm được phần mộ an táng tại nghĩa trang này. Hàng năm, cứ tháng 7 về là tôi sắp xếp công việc ở quê để vào đây thắp hương viếng mộ. Vào đây cũng là dịp để kính cẩn nghiêng mình trước anh linh liệt sĩ, trong đó có nhiều liệt sĩ cùng quê với tôi. Gia đình tôi có 3 liệt sĩ, ngoài bác tôi nằm ở đây thì còn một người an táng tại Hà Nội, một người hy sinh tại chiến trường Quảng Trị đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Vào thăm mộ, chúng tôi được chính quyền địa phương bố trí ăn ở và làm các thủ tục để thanh toán vé tàu xe nên cũng đỡ vất vả. Dẫu đau thương, mất mát nhưng khi nghĩ rằng sự hy sinh của người thân mình để đất nước thống nhất và Tây Nguyên tươi đẹp như ngày hôm nay, những thân nhân như chúng tôi cũng vơi đi nỗi đau. Nhiều lần anh em muốn đưa bác về quê, nhưng khi nghĩ bác đã chiến đấu và nằm lại mảnh đất này, giờ được yên nghỉ trong một nghĩa trang xanh, đẹp và có các đồng đội ở bên cạnh nên chúng tôi quyết định để bác ở lại đây”.
Đưa con gái vừa tròn 7 tuổi đến thắp hương tại đây, chị Lê Phú Hà (tổ 17, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho biết: “Nghĩa trang này không có thân nhân của gia đình, nhưng tháng 7 năm nào tôi cũng ra đây để thắp hương viếng các liệt sĩ. Chồng tôi đang công tác trong quân đội nên tôi hiểu được những hy sinh mất mát của các gia đình liệt sĩ. Có nhiều thân nhân ở xa không về thăm viếng được, mình ở gần thì ra thắp cho các anh nén hương để những ngôi mộ bớt đi phần hiu quạnh. Năm nay là năm thứ 3 tôi dẫn con đến thắp hương với mong muốn con sẽ hiểu được phần nào giá trị của cuộc sống hôm nay. Nhiều lúc cháu vừa thắp hương vừa đọc những dòng chữ trên bia mộ rồi hỏi tôi: “Sao mộ này ghi là chưa xác định danh tính”, tôi phải giải thích cho con. Có thể bây giờ cháu chưa hiểu hết nhưng lớn lên chút nữa cháu sẽ nhận thức được trách nhiệm của mình với cuộc sống hôm nay”. Nhìn chị Hà và bé Nguyễn Vũ Phương Linh-con gái chị cẩn trọng thắp từng nén hương, sửa từng cây hoa trên các phần mộ, chợt tôi thấy thật ấm lòng.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Có biết bao bà mẹ, người vợ, người con, thân nhân liệt sĩ đang ngày đêm khắc khoải, hy vọng tìm được phần mộ người thân. Nhìn những hàng mộ thẳng tắp, tôi chợt nghĩ: Những anh hùng, liệt sĩ chẳng tiếc máu xương mình để chúng ta được sống, được lao động, học tập trong sự thanh bình. Chẳng còn gì cao cả, thiêng liêng hơn thế! Xin cúi đầu thắp nén tâm hương cảm phục và tri ân...
Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm