Thời sự - Bình luận

Nghiện mạng xã hội và hệ lụy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, mạng xã hội (MXH) như: Facebook, Zalo, X (trước đây là Twitter), TikTok… đã không còn xa lạ với hầu hết người dùng mọi giới tính, lứa tuổi.

Nó ngày càng thể hiện vai trò, sức ảnh hưởng rất lớn của mình, còn được coi là đối thủ cạnh tranh của báo chí về độ nhanh nhạy, tính tương tác.

Theo một thống kê hồi giữa năm 2023, thế giới có 4,95 tỷ người sử dụng MHX, tăng 7,07% so với năm trước. Và, trong số 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok, Facebook, YouTube nhiều nhất thế giới, Việt Nam lần lượt xếp ở vị trí thứ 6, 7 và 9. Năm 2023, Việt Nam có 77 triệu người dùng MXH, chiếm 79,1% dân số.

Số lượng người dùng và tăng vọt hàng năm chứng tỏ sức mạnh của MXH. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng MXH có 10 tác dụng như sau: cập nhật tin tức, kiến thức, xu thế; cải thiện chất lượng và tốc độ của báo chí và dịch vụ công; kết nối bạn bè, gia đình, cộng đồng; kết nối yêu thương và hòa nhập quốc tế; cải thiện kỹ năng sống, kiến thức; kinh doanh, quảng cáo miễn phí; tiết kiệm kinh phí, thời gian, sức lao động và thân thiện với môi trường; giải trí; khuyến khích, phát huy tài năng; bày tỏ và kiểm soát cảm xúc.

Những lợi ích cơ bản của việc sử dụng MXH tùy vào mỗi cá nhân, mục đích sử dụng khác nhau. Tất nhiên, trong quá trình sử dụng, việc gặp phải những phiền toái cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, so sánh giữa lợi nhiều hại ít hay lợi ít hại nhiều phụ thuộc vào mức độ và cách thức người sử dụng và những người liên quan. Cái gì thái quá sẽ thành bất cập. Thế nào là vừa, là đủ phụ thuộc kỹ năng, sự hiểu biết và nhạy cảm của chủ sở hữu tài khoản MXH, cũng là chủ sở hữu cuộc sống của bản thân mình.

Trong một bài viết trước đây, chúng tôi từng đề cập đến chứng nghiện vào MXH, xuất hiện trên MXH. Đó là khi nhiều người, bạn bè ca thán: “Trẻ con nghiện ti vi, điện thoại, cả ngày lên mạng, thời gian đâu học hành, vận động”. Một người bạn còn than vãn: “Chị tôi 60-70 tuổi rồi còn nghiện MXH, ngày nào không lên không chịu được, huống chi mấy đứa nhỏ”.

Sự việc hoa khôi Nam Em và chồng sắp cưới cùng với người mẫu Quế Vân mấy ngày gần đây livestream liên tục bóc “phốt” nhiều nhân vật tên tuổi một lần nữa làm dấy lên lo ngại tình trạng lạm dụng MXH cho hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu đứng đắn, thậm chí vi phạm pháp luật. Nam Em không ngần ngại “bật mí” cả chuyện tình cảm và góc khuất giới showbiz. Nhiều người cho rằng, Nam Em là “sao quả tạ”, không nên dây vào làm gì. Cô được mặc định danh xưng “nữ hoàng thị phi”, “hoa khôi thị phi”. Thậm chí, nhiều người đề nghị có biện pháp mạnh trước những phát ngôn gây tranh cãi, không có bằng chứng xác thực của cô.

Trước sự việc đó, chia sẻ với báo giới, ông Lâm Đình Thắng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh-cho biết: Thông tin hoa khôi Nam Em livestream gây ồn ào MXH đã được nhiều người biết tới và phản ánh. “Qua phản ánh của dư luận, Sở đã nắm được thông tin trên. Chúng tôi đang tìm hiểu và sẽ có phản hồi trong thời gian tới”-ông Thắng cho hay. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy-Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh cũng xác nhận đơn vị đã vào cuộc phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra vụ livestream ồn ào của Nam Em những ngày qua. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cũng tiếp nhận và chỉ đạo sớm xử lý thông tin vụ việc Nam Em.

Việc lạm dụng MXH là mặt trái đòi hỏi có sự kiểm soát của ngành chức năng để hạn chế, khắc phục tình trạng gây nghiện cao, mất nhiều thời gian, công sức và tiềm ẩn nhiều rủi ro về đời sống cá nhân, mất cân bằng cảm xúc do quá mải mê hay ganh đua số lượng fan hoặc cạnh tranh, so sánh hay chỉ trích thái quá.

Nói về chứng nghiện rồi dùng MXH vì mục đích thiếu đứng đắn và trong sáng, sự việc Nam Em là trường hợp lặp lại không có gì mới của bà Phương Hằng và nhiều người trước đây. Kết cục, Nam Em và những người liên quan bị xử lý như thế nào, mọi người còn đang ngóng tin, nhưng chắc chắn là sẽ không lâu.

Thật lạ, mới đây, nơi tôi đang ở, một người đưa lên nhóm Zalo thông báo Công an đo nồng độ cồn ở đường Nguyễn Viết Xuân (phường Hội Phú, TP. Pleiku). Ngay lập tức, một người trong nhóm đề nghị “Thu hồi tin nhắn đi anh” vì có thể bị phạt!

Dùng, nghiện, không biết trách nhiệm hay biết mà bất chấp, phớt lờ. Tai hại thay!

Có thể bạn quan tâm