Phóng sự - Ký sự

Ngỡ ngàng quà tặng ngàn năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những cái tên động Brai, thác Ta Puồng, thác Ba Vòi, thác Chênh Vênh... ở miền tây Quảng Trị đã bắt đầu quen với “phượt thủ”, nhưng vẫn chưa in nhiều dấu chân du khách.
 
Vẻ đẹp diệu kỳ phía trong hang động Brai. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Vẻ đẹp diệu kỳ phía trong hang động Brai. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Chúng như những “cô gái sơn cước” đang cần được đánh thức để phô ra cho thế giới thấy một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ ảo.
Để có những khối thạch nhũ lóng lánh, muôn hình vạn trạng trong hang động núi đá vôi phải mất hàng triệu năm. Ở Quảng Trị, món quà đó cũng được thiên nhiên ban tặng, loài người đã phát hiện, chỉ có điều cứ loay hoay mãi không thể đưa ra khai thác như là một “tiểu Phong Nha”, lừng danh thế giới ở ngay tỉnh “hàng xóm”...
Chốn tiên cảnh ở A Sóc
Động Brai nằm trong dãy núi thuộc thôn A Sóc (xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Nơi đây nằm sát bờ sông Sê Păng Hiêng, cách biên giới Việt - Lào khoảng 2 km về hướng đông, cách Khe Sanh 70 km, cách Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo khoảng 90 km và cách TP.Đông Hà 150 km. Hang động Brai được bộ đội và du kích phát hiện từ thời kháng chiến chống Pháp, trở thành một nơi để người dân và bộ đội tránh đạn bom, tập kết vũ khí, lương thực trong những năm chiến tranh. Hiện nay, hang động Brai vẫn còn nguyên sơ chưa được khai thác.
Tháng 9 năm 2017, PV Thanh Niên đã cùng đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị do ông Nguyễn Đức Chính khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu vào khảo sát động Brai. Đây được xem là cuộc khảo sát chính thức đầu tiên có chính quyền chủ trì để vào hang động này. Dù trước đó, năm 2015, hang động Brai đã được Hội Nghiên cứu hang động Vương quốc Anh nghiên cứu, khảo sát và đánh giá đây là một trong những hang động đẹp tầm cỡ thế giới. Dễ hiểu khi chứng kiến vẻ đẹp của Brai, nhiều người thốt lên rằng: “Đẹp không thua... thiên đường!”.
Muốn vào được động Brai phải men theo đồi dốc dọc sông Sê Păng Hiêng. Hang động Brai là một hang động hoang sơ rất rộng và cao, cửa hình tam giác. Động có nhiều khối thạch nhũ màu vàng, trắng, bên trong còn có những khoảng rộng với các bãi đá ngầm, có những dòng nước chảy như dòng suối nhỏ. Càng vào sâu bên trong có nhiều khối thạch nhũ lớn và không khí hết sức mát mẻ. Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát, đoàn chỉ đi vào động vỏn vẹn được 800 m vì lý do an toàn.
Chứng kiến vẻ đẹp kỳ ảo của động này, ông Chính cũng như nhiều người trong đoàn đã nghĩ ra biết bao kỳ vọng. Thậm chí, vị đứng đầu tỉnh Quảng Trị thời điểm đó đã có những chỉ đạo rất sát sao ngay tại đó và ra nhiều văn bản khi trở về để yêu cầu các sở ngành chung tay, kêu gọi đầu tư... vào khu vực động Brai. Nhưng tất cả chỉ dừng ở khảo sát, những nhà đầu tư lớn nhỏ đến rồi đi... Đến khi ông Chính hết nhiệm kỳ của mình thì khát vọng của ông vẫn chưa thành hiện thực.
Lộ trình khai thác thô hang động Brai vẫn chưa có, và nó vẫn ở đó, tạm thời giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức bảo vệ, gìn giữ động Brai.
 
Đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị khảo sát động Brai hồi năm 2017
Đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị khảo sát động Brai hồi năm 2017
Cảnh bồng lai ở thôn trỉa
Tưởng như Brai là “duy nhất” ở Quảng Trị thì giữa năm 2020, người dân đi rừng phát hiện tại địa phương này một hang động mới. Hang động nói trên nằm ở 1 ngọn núi đá thuộc thôn Trỉa (xã Hướng Sơn, H.Hướng Hóa). Theo đó, một số người dân trong quá trình đi rừng đã nhìn thấy hang động nhưng ít ai dám vào, hoặc nếu có vào thì chỉ đi một đoạn ngắn vì không đảm bảo an toàn.
Những “mái tóc thề” trắng xóa
 

Nếu ví những địa điểm du lịch hoang sơ, chưa khai mở ở Quảng Trị là “những cô gái đang ngủ trong rừng” thì hẳn những dòng thác tuyệt đẹp đang tung bọt trắng xóa là “những mái tóc thề” của họ... Có thể kể ra những ngọn thác nổi tiếng ở Quảng Trị như thác Ba Vòi nằm ở chân ngọn núi Voi Mẹp (còn gọi là Tá Linh Sơn, có độ cao 1.700 m, được xem là nóc nhà của Quảng Trị, nằm ở địa phận giáp ranh giữa 3 xã Hướng Linh, Hướng Sơn (H.Hướng Hóa) và xã Hướng Hiệp (H.Đakrông). Thác Chênh Vênh (thuộc xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa), nằm giữa vách núi gồ ghề, giữa bạt ngàn rừng hoang sơ. Hay thác Tà Puồng (ở thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt), ngọn thác có độ cao 35 m, lưu lượng nước lớn, quanh năm chảy khá mạnh, đổ xuống rất đẹp. Điều đặc biệt ở con thác này chính là ngoài hệ thống thác nước còn có 1 động nhỏ nằm ở trên cao rộng khoảng 10 m và ăn sâu vào lòng núi khoảng 200 m…

Để vào động phải đi men theo suối nhỏ và leo lên một vách đá thẳng đứng, cao khoảng 50 m. Theo một số hình ảnh được ghi lại, ở phía trong hang có những khối thạch nhũ lớn, nhiều màu; đáy hang là suối, có nước chảy.
Gần như ngay lập tức khi có thông tin, ngày 12.8.2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã có văn bản gửi Sở VH-TT-DL và UBND H.Hướng Hóa, trong đó giao Sở VH-TT-DL tỉnh này phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan triển khai ngay công tác bảo vệ hang động vừa mới phát hiện ở thôn Trỉa; đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án khai thác, phát huy giá trị của danh thắng nêu trên.
Tiếp đó, ngày 20.8.2020, đoàn công tác của Sở VH-TT-DL Quảng Trị phối hợp với UBND H.Hướng Hóa tiến hành khảo sát hang động mới này. Theo ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, thì đường vào hang khá thuận lợi, từ trung tâm thôn Trỉa đi bộ khoảng 20 phút là đến cửa động. Tuy nhiên, cấu trúc hang động đa dạng, phức tạp, lối đi bên trong động tương đối nhiều, quanh co chằng chịt nên đoàn chỉ mới được khám phá gần 1 km. Nhưng theo nhận định, hang động này còn rất sâu với nhiều khối thạch nhũ lớn, bãi đá ấn tượng hơn nữa. “Sau khảo sát, chúng tôi đang cùng với UBND H.Hướng Hóa lập kế hoạch cụ thể về việc bảo tồn danh thắng hang động cũng như tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở đây”, ông Bình nói.
(còn tiếp)
Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm